Hơn 700ha đất làm khu công nghiệp vướng giải tỏa

Nhu cầu thuê đất trong các khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Đồng Nai những năm qua tăng rất nhanh, với 34 KCN, đã có 31 KCN đi vào hoạt động, nhiều KCN được doanh nghiệp thuê đất gần như được lấp đầy. Nhưng một số KCN lại đang trong tình trạng 'dở khóc dở cười' khi việc giải phóng mặt bằng kéo dài hàng chục năm chưa hoàn thành…

Được thành lập từ năm 2006 với kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển cho huyện Vĩnh Cửu, nhưng sau hơn 18 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Thạnh Phú vẫn đang dở dang.

Khu đất làm khu công nghiệp Thạnh Phú sau 18 năm vẫn chưa hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Khu đất làm khu công nghiệp Thạnh Phú sau 18 năm vẫn chưa hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo hồ sơ từ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, để thực hiện dự án KCN Thạnh Phú, địa phương phải thu hồi hơn 114 ha đất. Song đến nay việc giải tỏa, đền bù tại đây còn vướng đối với 141 hộ dân nên địa phương chưa thể bàn giao đất để thực hiện các hạng mục hạ tầng hoàn chỉnh đối với KCN này. Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, UBND huyện đã ban hành 2 quyết định thu hồi đất của hộ ông Trần Văn Thành với tổng diện tích hơn 7ha. Ông Thành đã nhận đủ số tiền bồi thường và bàn giao phần lớn đất cho đơn vị chức năng, còn 0,2ha chưa bàn giao vì cho rằng việc áp giá bồi thường không đúng với đơn giá Nhà nước quy định tại thời điểm thu hồi đất. Ngày 10/6/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao UBND huyện Vĩnh Cửu phê duyệt phương án bồi thường bổ sung cho 141 hộ dân, gồm cả hộ dân trên. Lý do UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, nhưng chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí để chi trả trước ngày 1/7/2014. Do đó, giá đất để tính tiền bồi thường bổ sung được thực hiện theo quyết định ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai.

Ông Lê Nguyễn Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, việc thực hiện dự án kéo dài, trải qua nhiều thời kỳ, lưu trữ hồ sơ gặp khó khăn. Đồng thời việc củng cố hồ sơ pháp lý của các hộ dân đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng các hộ dân không đồng thuận cũng khiến việc thu hồi đất kéo dài. Ngoài ra, các hộ dân trong vùng dự án chưa nhận đất tái định cư do người dân có nguyện vọng tái định cư tại xã Thạnh Phú nhưng hiện tại quỹ đất để thực hiện tái định cư trên địa bàn xã đã tạm hết. Đến nay có 123 trường hợp đã phê duyệt bổ sung giá đất, trong đó 43 trường hợp có diện tích 7,5ha với tổng số hơn 63,5 tỷ đồng đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Còn 14 trường hợp với diện tích 0,35ha với số tiền đền bù 1,35 tỷ đồng chủ đầu tư đã chuyển tiền bồi thường nhưng các hộ dân chưa nhận và chưa bàn giao mặt bằng. Riêng 66 trường hợp với diện tích 15,5ha với tổng số tiền bồi thường là 149 tỷ đồng, chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí. Ngoài ra còn 18 trường hợp chưa phê duyệt phương án bồi thường do đã nhận tiền bồi thường từ năm 2017 và 2018, trước thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định trên. Qua rà soát của địa phương, tại đây vẫn còn 21 trường hợp với diện tích 7,64ha chưa được phê duyệt phương án bồi thường. Đối với các trường hợp này, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Cửu đang tập trung tham mưu, xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, hiện nay phần diện tích và công việc còn lại cũng đã có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, ông đề nghị các đơn vị phấn đấu xử lý các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Thạnh Phú trước Tết Nguyên đán 2025.

Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai nhận định, việc sớm giải phóng mặt bằng dự án là nhiệm vụ quan trọng để bổ sung quỹ đất công nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư vào địa phương. HĐND tỉnh thống nhất ý kiến của UBND tỉnh đề nghị huyện Vĩnh Cửu và các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành công tác nêu trên theo yêu cầu đã đặt ra để hoàn thiện hạ tầng KCN Thạnh Phú.

Không chỉ riêng KCN trên, theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, tổng diện tích các KCN đã được thành lập trên địa bàn tỉnh là 10,5 ngàn ha, trong đó có 10 KCN còn vướng mặt giải phóng bằng với tổng diện tích hơn 700ha. Các KCN đang vướng nặng nhất là KCN Sông Mây giai đoạn 1 và 2 với diện tích hơn 180ha; KCN Hố Nai hơn 90ha cả giai đoạn 1 và 2; KCN Thạnh Phú hơn 38ha; KCN Ông Kèo 204ha; KCN Bàu Xéo gần 19ha.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, nếu không nỗ lực giải quyết một cách quyết liệt các vấn đề liên quan đến bồi thường, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với KCN, tỉnh Đồng Nai sẽ rất khó trong phát triển công nghiệp thời gian tới.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/hon-700ha-dat-lam-khu-cong-nghiep-vuong-giai-toa-i753683/