Hơn 76% người lao động tình nguyện làm thêm giờ để cải thiện cuộc sống

Sáng 8/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023.

Đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn

Đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn

Cuộc khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách pháp luật và Viện Công nhân công đoàn thực hiện.

Khảo sát được thực hiện đối với người lao động làm việc trong các ngành dệt may, da giày, điện tử, thương mại, chế biến nông lâm thủy sản... thuộc cả 4 vùng lương.

Thay mặt nhóm nghiên cứu công bố kết quả khảo sát, TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết có 52,3% người lao động có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ.

Bên cạnh đó, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng.

Tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là khoảng 6 triệu đồng (tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022).

Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng). Có 3,5% người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Về thu nhập, thu nhập trung bình của gần 3.000 lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.

Chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Cũng theo khảo sát, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Tiền lương cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định con của 72,0% người lao động.

Để trang trải cuộc sống, có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần. Trong đó, người rút nhiều nhất là 4 lần và người rút thấp nhất là 1 lần.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hon-76-nguoi-lao-dong-tinh-nguyen-lam-them-gio-de-cai-thien-cuoc-song-post548172.antd