Hơn 77.400 tấn hàng nhập khẩu trái phép trị giá 950 tỷ đồng được thông quan

Liên quan đến vụ án, đưa, nhận hối lộ, buôn lậu xảy ra tại Công ty Hoàng Sa, Chi cục Thú y vùng VI và Trạm kiểm dịch động vật cảng - bưu điện, Chuyên đề Công an TPHCM đã có bài viết phản ánh một số doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu trái phép hàng hóa là sản phẩm động vật nhai lại (bột hồng cầu, bột xương bò, cừu...) có xuất xứ từ các quốc gia thuộc diện quy định không được nhập về Việt Nam. Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM xác định trong 8 tháng đầu năm 2023, Công ty Hoàng Sa do vợ chồng Bình - Nhung làm chủ đã nhập khẩu hơn 77.400 tấn hàng trị giá hơn 950 tỷ đồng. Khi nhập hàng về, Bình và Nhung móc nối đưa tiền cho Trần Trung Nhân, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Cảng - Bưu điện để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện thông quan.

Nhiều lãnh đạo "nhúng chàm"

Trước đó, qua công tác quản lý địa bàn, Công an TPHCM phát hiện nghi vấn nên tập trung xác minh, điều tra. Ngày 25/8, Công an TPHCM kiểm tra 2 lô hàng gồm 10 container bột hồng cầu heo có xuất xứ từ Pháp (là mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu về Việt Nam) nặng hơn 117.600kg, giá trị hơn 3,2 tỷ đồng. Số hàng này nhập qua cảng container quốc tế SP-ITC, do Công ty TNHH xuất nhập khẩu dinh dưỡng Hoàng Sa làm thủ tục thông quan.

Kết quả điều tra xác định hàng hóa thuộc 10 container trên là bột hồng cầu bò được sản xuất tại cơ sở sản xuất Vapran Sas của Pháp, được Công ty Hoàng Sa nhập khẩu. Công ty này do Trần Nguyên Bình và Đỗ Thùy Nhung làm chủ, đã ký hợp đồng mua bán với Công ty Ceresos Pte LTD. Sau đó, đơn vị nhập khẩu làm giả giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C) của Pháp và thông đồng với cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Cảng - Bưu điện, Chi cục Thú y vùng VI để cho ra kết quả kiểm dịch đủ điều kiện thông quan. Công an xác định, ngoài Công ty Hoàng Sa, Bình và Nhung còn thành lập 5 công ty khác để nhập số hàng trên.

Qua đó, ngày 31/8, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án hình sự "Buôn lậu", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", khởi tố 12 bị can. Trong đó, 2 bị can Trần Nguyên Bình, Đỗ Thùy Nhung bị khởi tố về tội "Đưa hối lộ" và "Buôn lậu". 5 bị can Đặng Minh Đức, Nguyễn Thị Hiền, Trần Thị Thanh Luyến, Nguyễn Thị Kiều Thi, Huỳnh Văn Thịnh bị khởi tố về tội "Buôn lậu", tất cả 7 bị can này thuộc Công ty Hoàng Sa. 5 bị can thuộc Chi cục Thú y vùng VI, gồm: Bạch Đức Lữu (Chi cục trưởng), Lý Hoài Vũ (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI); Trần Trung Nhân, Nguyễn Minh Thành (đều là Phó Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật cảng - Bưu điện) và Nguyễn Văn Trung (Kiểm dịch viên Trạm kiểm dịch động vật Cảng - Bưu điện) bị khởi tố về tội "nhận hối lộ".

Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng VI

Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng VI

Lý Hoài Vũ, Chi cục phó Chi cục Thú y Vùng VI

Lý Hoài Vũ, Chi cục phó Chi cục Thú y Vùng VI

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang tiếp tục mở rộng điều tra về vụ buôn lậu trên.

Theo điều tra, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu dinh dưỡng Hoàng Sa do Trần Nguyên Bình và vợ là Đỗ Thùy Nhung thành lập, thuê Trần Thị Thanh Luyến làm Giám đốc. Vợ chồng Bình - Nhung còn lập 5 công ty: Công ty TNHH phát triển xuất nhập khẩu Hồng Hà, Công ty TNHH nông nghiệp Phù Sa, Công ty TNHH xuất nhập khẩu tổng hợp Phù Sa, Công ty TNHH thương mại Quốc tế LTC, Công ty TNHH đại lý giao nhận Domino.

Vợ chồng Bình - Nhung lập các công ty nhập khẩu trái phép bột hồng cầu, bột xương bò, cừu... ở các quốc gia châu Âu không được phép nhập vào Việt Nam (vì các quốc gia từng có dịch bệnh bò điên, nguy cơ dịch bệnh bò điên) về bán cho các xưởng, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, nhằm thu lợi bất chính.

Hai vợ chồng chỉ đạo các nhân viên sửa nội dung khai báo hải quan rằng sản phẩm nhập khẩu là bột hồng cầu heo (hàng nhập là bột hồng cầu bò...), sửa thông tin nguồn gốc xuất xứ; làm giả giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu; chuẩn bị sẵn mẫu đạt chuẩn để móc nối, giao cho kiểm dịch viên kiểm dịch... Trong khi đúng quy trình lấy mẫu là kiểm dịch viên phải đi trực tiếp xuống cảng cắt seal để lấy mẫu xét nghiệm kiểm dịch nhằm cho ra kết quả dịch đủ điều kiện (không có ADN bò) để thông quan.

Công an xác định trong 8 tháng đầu năm 2023, vợ chồng Bình - Nhung nhập khẩu hơn 77.400 tấn hàng trị giá hơn 950 tỷ đồng. Khi nhập hàng về, Bình và Nhung móc nối đưa tiền cho Trần Trung Nhân, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Cảng - Bưu điện để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện thông quan. Kết quả điều tra bước đầu cũng xác định, Nhân nhận tiền của nhiều công ty khác ở các tỉnh, thành rồi chia cho Bạch Đức Lữu 4,6 tỷ đồng, Lý Hoài Vũ 3,2 tỷ đồng. Các kiểm dịch viên trong trạm được chia 3,3 tỷ đồng; riêng Nhân nhận 1,9 tỷ đồng.

Chi cục Thú y vùng VI tại đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, Q.Tân Bình, TPHCM

Chi cục Thú y vùng VI tại đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, Q.Tân Bình, TPHCM

Đưa vụ án vào diện theo dõi

Liên quan đến vụ án này, tại cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (Ban Chỉ đạo PCTN-TC) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM vào chiều 07/9, Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM đã đưa vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo. Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hoạt động tích cực, hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM, Ban Nội chính Thành ủy TPHCM (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM) trong thời gian qua.

Trong đó, trọng tâm là đã thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác PCTN-TC đối với đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách. Đồng thời, tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm 1 vụ án và 3 vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo. Cùng với đó, tham mưu thành lập và triển khai kịp thời 2 đoàn kiểm tra về công tác PCTN-TC. Cụ thể, Đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; Đoàn kiểm tra công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước bị thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, hiện nay, Đảng và Nhà nước đang tập trung quyết liệt vào công tác PCTN-TC. Nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử, dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Vì vậy, để công tác PCTN-TC tiếp tục phát huy hiệu quả, thuyết phục, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực, PCTN-TC ngay trong các cơ quan có chức năng PCTN-TC. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan này.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN-TC thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm chính, có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, thường xuyên tự soi, tự sửa, tu dưỡng, rèn luyện, học tập để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê; lại cầm bó đuốc đi rê chân người" như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường căn dặn.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM trong thời gian tới. Trong đó, cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị có hồ sơ hành chính, tư pháp, bổ trợ tư pháp quá hạn, tồn đọng, có dư luận, phản ánh hoặc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy TPHCM giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM hoàn thành 2 đề án nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và khuyến khích, động viên tinh thần phục vụ, thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, triển khai, hoàn tất công tác kiểm tra, giám sát đối với các Đoàn kiểm tra, giám sát về công tác PCTN-TC của Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM theo chương trình, kế hoạch đề ra.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo. Trọng tâm là phải kết thúc việc xác minh, điều tra, xử lý đúng yêu cầu tiến độ đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN-TC theo dõi, chỉ đạo xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm...

Ngoài ra, tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM cũng thống nhất đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ việc và 1 vụ án do đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo theo quy định.

Đồng thời, đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo đối với vụ án "buôn lậu", "đưa hối lộ" và "nhận hối lộ" xảy ra tại Chi cục Thú y vùng VI, Trạm Kiểm dịch động vật Cảng - Bưu Điện liên quan việc nhập khẩu trái phép hàng hóa là sản phẩm động vật nhai lại (bột hồng cầu, bột xương bò, cừu...) có xuất xứ từ các quốc gia thuộc diện quy định không được nhập về Việt Nam.

DUY NGỌC - MINH XUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/hon-77400-tan-hang-nhap-khau-trai-phep-tri-gia-950-ty-dong-duoc-thong-quan_152394.html