Hơn 90% diện tích tại 'rốn lũ' Tân Hóa ngập sâu 3m
Tại 'rốn lũ' Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), hơn 90% diện tích đã ngập sâu 3m.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đến 15 giờ ngày 4/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có hai người chết, hai người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn nhà dân bị cô lập. Đặc biệt tại “rốn lũ” Tân Hóa (huyện Minh Hóa) hơn 90% diện tích đã ngập sâu 3m.
Theo ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, toàn xã có 512/697 hộ dân bị ngập, nơi sâu nhất ngập hơn 3m. Hiện tại người dân đã di chuyển đến những ngôi nhà nổi chống lũ an toàn.
Trước đó, để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân tích trữ lương thực và nước uống phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong khoảng 10 - 15 ngày. Trước mắt, cán bộ xã và huyện đã xuống địa bàn theo dõi và nắm tình hình, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Hiện tại trời vẫn đang mưa to, nước đang tiếp tục dâng cao.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 15 giờ ngày 4/9, mưa lũ đã khiến hai người chết (bà Hồ Thị Chăn, trú ở bản Pa Chong, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa; và cháu bé hai tuổi, trú phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình); hai người bị thương. Mưa lũ cũng khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn nhà dân bị cô lập.
Cụ thể: tại huyện Tuyên Hóa có 109 nhà bị ngập, 1.600 nhà bị cô lập; huyện Minh Hóa có 611 nhà bị ngập; bốn thôn thuộc xã Xuân Hóa, Hồng Hóa bị cô lập; huyện Lệ thủy có 450 nhà bị ngập, hai thôn thuộc xã Lâm Thủy bị chia cắt; huyện Bố Trạch có 13 thôn thuộc xã Thượng Trạch, Xuân Trạch bị chia cắt về giao thông.
Các tuyến Quốc lộ 12A, 15, 9B, 9C,9E bị ngập cục bộ, một số đoạn bị sạt lở ta luy. Tại các tuyến Tỉnh lộ 559, 559B, 562, 558, 558B, 558C… cây cối đổ ngang đường, sạt lở mái ta luy ở nhiều vị trí. Hiện tại các đơn vị quản lý đang tập trung thu dọn để sớm thông tuyến.
Tại những vùng ngập sâu, nguy hiểm, chính quyền địa phương đã di dời 834 hộ dân (huyện Tuyên Hóa có 402 hộ, Minh Hóa có 432 hộ) về nơi an toàn. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, nếu mực nước sông Gianh tiếp tục dâng cao thì phải di dời thêm 650 hộ với 2.464 khẩu.
Trước nguy cơ có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát và chỉ đạo cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ do áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong những ngày tới. Các đơn vị cần tập trung phòng chống rủi ro thiên tai, báo cáo kịp thời những diễn biến phức tạp tại các địa phương để UBND tỉnh có phương án xử lý.