Hòn Bà và nhà bác học Yersin
Khó có thể hình dung cuộc đời và sự nghiệp của nhà y khoa, nhà thám hiểm, nhà nông học, nhà thú y Yersin trong nửa thế kỷ sống và làm việc ở Việt Nam, nhất là ở Khánh Hòa mà thiếu địa danh Hòn Bà
Hòn Bà là đỉnh trong một tam giác vững chãi tại tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang – Suối Dầu – Hòn Bà) gắn với cuộc đời, sự nghiệp của một bậc vĩ nhân đã cống hiến trọn đời vì sức khỏe và sự tiến bộ của con người: Alexandre Yersin (1863 – 1943).
Hòn Bà là dãy núi thuộc xã Suối Cát huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa. Trên gần đỉnh Hòn Bà, ở cao độ 1500 mét, hiện nay vẫn còn một ngôi nhà gỗ, là một trong những nơi ở và làm việc lúc sinh thời của Bác sĩ Yersin (*).
Từ ngưỡng cửa của một ngôi nhà nhỏ ở đồn điền Suối Dầu (nay thuộc khuôn viên chùa Linh Sơn Pháp Ấn, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), từ lâu, Yersin vẫn thường hướng mắt về những đỉnh núi cao của dãy núi xa xa, phía trước mặt ngôi nhà.
Vào thời đó, chưa có một bản đồ nào về dãy núi này cả. Ông đặc biệt chú ý ngọn cao nhất trong dãy núi, khống chế tất cả các ngọn chung quanh. Một loạt những chuyến khảo sát đưa ông đi ngược con sông, vào sâu trong thung lũng, vượt qua những sườn núi dựng đứng và hiểm trở, những con suối nhỏ hợp thành những con thác lớn dữ dội, vượt qua những dãy núi đồ sộ và hoang vu hoàn toàn bị phủ kín trong lớp rừng nguyên sinh.
Và ông đã đặt chân lên đỉnh cao nhất đó – đỉnh Hòn Bà – sau bao nhiêu gian nan, vất vả. Bằng số tiền của hai giải thưởng do Viện Hàn lâm khoa học Pháp trao vào thời điểm năm 1915 – 1917, ông đã thuê người dân địa phương mở một con đường nối Suối Dầu với Suối Cát để bắt đầu tìm cách đưa cây canhkina – vỏ cây này dùng để chiết xuất chất ký ninh điều trị bệnh sốt rét – lên đúng vùng sinh trưởng của nó (từ 1000 mét trở lên).
Trên đỉnh Hòn Bà hiện nay vẫn còn nhiều di tích gợi lên cuộc đời tận hiến cho khoa học, cho nhân loại của nhà y khoa, nhà thám hiểm, nhà nông học Yersin: ngôi nhà gỗ là nơi ở và cũng nơi làm việc, những bồn đá trong “vườn thuốc” xung quanh nhà để ươm những hạt giống cây canhkina, hồ chứa nước bơm từ dưới suối lên (máy bơm ông đặt mua từ bên Pháp), bồn đá trong chuồng ngựa cách ngôi nhà gỗ không xa, cây trà tổ tương truyền do chính tay ông trồng,…Yersin còn lập trên Hòn Bà một trạm quan trắc khí tượng và thử nghiệm các thiết bị vô tuyến điện.
Và cũng chính tại Hòn Bà, Yersin đã có khoảng thời gian yên tĩnh học chữ Morse. Ông là tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sở hữu máy thu phát morse (cùng với máy thu thanh tân tiến bắt được cả đài bên Pháp và kính thiên văn).
Hòn Bà hiện nay là Khu bảo tồn thiên nhiên với hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, không ít loài có tên trong Sách Đỏ, chẳng hạn như voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ, vượn đen má vàng, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn,… Rừng Hòn Bà là rừng nguyên sinh với một hệ thực vật nhiều tầng, đa dạng, đặc biệt là những loại cây thân gỗ quý, cây thuốc quý, phong lan, dương xỉ, rêu,… trong đó phải kể đến những loài đặc hữu (tên mang địa danh Nha Trang, địa danh Hòn Bà và mang tên Yersin).
Con đường lên Hòn Bà có nhiều cung đường uốn lượn, gấp khúc, nhiều cua tay áo xếp chồng lên nhau, rất hấp dẫn với những người thích khám phá, thích du khảo. Khí hậu Hòn Bà là khí hậu ôn đới, các đỉnh núi thường chìm trong lớp sương mù rất dày, từ tháng mười đến tháng ba độ ẩm rất cao, mùa hè rất mát mẻ, thậm chí lành lạnh rất thú vị. Vì thế, Hòn Bà thường được ví là lá phổi xanh của huyện Cam Lâm, huyện Khánh Vĩnh và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Một ngày trên đỉnh Hòn Bà có thể có đủ cả bốn mùa. Mùa nào lên Hòn Bà cũng như là lần đầu tiên, cảm giác không lặp lại. Nhưng thú vị nhất có lẽ là check-in Hòn Bà vào mùa xuân. Hai sườn núi cây đang thay lá non, những hàng cây lá đỏ làm cho những cung đường tươi tắn, thắm sức sống. Nếu may mắn, bạn sẽ chứng kiến những khoảnh khắc trời đang xanh ngắt, nắng vàng mật, bỗng một vạt mưa thưa hoặc đám sương mù mỏng đi ngang qua rồi tất cả nhanh chóng lại trở lại như cũ. Quang cảnh càng quang đãng hơn, tinh khôi hơn làm lòng người sững sờ, lâng lâng ngây ngất.
Hòn Bà có độ cao tương đương với cao nguyên Lâm Viên (thành phố Đà Lạt), Hòn Bà cao hơn Bà Nà một thoáng và thấp hơn Sa Pa một chút. Hòn Bà có khí hậu, cảnh quan ôn đới như những nơi ấy nhưng Hòn Bà còn có di tích lịch sử-văn hóa gắn với ngôi nhà gỗ giản dị và sự nghiệp du nhập cây canhkina vì sức khỏe con người và thiện chí phát triển kinh tế một xứ sở còn nghèo khó, hoang vu của Bác sĩ Yersin. Khó có thể hình dung cuộc đời và sự nghiệp của nhà y khoa, nhà thám hiểm, nhà nông học, nhà thú y Yersin trong nửa thế kỷ sống và làm việc ở Việt Nam, nhất là ở Khánh Hòa mà thiếu địa danh Hòn Bà. Nơi này đã nối một tam giác Nha Trang – Suối Dầu – Hòn Bà vững chãi kỷ niệm về một vĩ nhân mà cuộc đời đẹp như một huyền thoại.
(*) Ngày 1-3-2022 cũng là kỷ niệm 79 năm ngày mất của Bác sĩ Yersin
Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/hon-ba-va-nha-bac-hoc-yersin-1045939.html