Hơn cả tin tức - sẽ là báo chí trí tuệ trong tương lai?
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi lại lấy cuốn sách Hơn cả tin tức - (Beyond news) của Mitchell Stephens do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành ra nghiền ngẫm. Mỗi lần đọc lại là một lần cảm thụ khác nhau về nghề báo, về mô hình tương lai của báo chí trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Một cuốn sách mà những người làm công tác báo chí, các sinh viên theo ngành báo chí… nhất thiết nên tìm đọc.
Mitchell Stephens là nhà báo, giáo sư chủ nhiệm Khoa Báo chí của Viện Arthur L.Carter thuộc Đại học New York. Năm 2009, ông làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Shorenstein của Đại học Harvard, làm luận án về tương lai của báo chí. Trước khi mạng Internet phát triển kết nối toàn cầu, báo chí không chỉ là “quyền lực thứ tư”, định hướng dư luận mà còn là một ngành kinh doanh phát đạt. Báo chí vừa bán những tin tức, hình ảnh nóng hổi, vừa bán chỗ quảng cáo. Giờ đây, thông tin từ các mạng xã hội tuôn trào trên điện thoại thông minh nhanh và nhiều đến ngợp thở, hầu hết là miễn phí. Phải chăng báo chí truyền thống đã đến hồi kết thúc vai trò lịch sử? Mitchell Stephens lập luận rằng, thay vì vậy, báo chí phải cung cấp những tầm nhìn độc đáo, mang tính thách thức chứ không phải là chỉ đưa nhiều hơn chút đỉnh tất cả những sự kiện đã được đưa tin cùng khắp…, từ đó ông đề xuất ra một tiêu chuẩn mới: Báo chí trí tuệ, một hỗn hợp của các hình thức đưa tin: Độc quyền, táo bạo, điều tra với việc nắm bắt sự kiện một cách am hiểu, có tính diễn giải, thậm chí là có chủ kiến kiên định.
Hơn cả tin tức là một nghiên cứu rất độc đáo của Mitchell Stephens, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả báo in truyền thống lẫn báo online và tìm thấy niềm hứng khởi cho sự thấu hiểu hiệu quả và đầy khát vọng qua những ví dụ từ các bài báo của các tờ báo khổng lồ của nước Mỹ. Với sự uyên bác của mình, ông lập luận cho một nền báo chí giá trị hơn và tham vọng hơn. Trong cuốn sách, ông đã khai thác lịch sử, lấy ra những giai thoại ấn tượng về việc đưa tin theo quy ước là không thể hiệu quả. Ông làm rõ lý do cho thấy việc diễn giải tin tức có thể giải cứu ngành báo chí lẫn các nhà báo chuyên nghiệp; diễn giải tại sao báo chí phải chuyển từ công thức truyền thống 5W vốn là kim chỉ nam của báo chí hiện tại sang 5L, một ngành báo chí mà ông gọi là báo chí trí tuệ: Am hiểu, thông minh, có tính diễn giải, sâu sắc và soi sáng.
Những ý kiến thách thức những gì thuộc về truyền thống luôn gây ra nhiều bàn cãi, tranh luận và không dễ dàng được chấp nhận. Nhưng cuộc sống không có những tư duy dám phá vỡ cái gì thuộc về hiện tại như vậy sẽ không thể phát triển.
THỦY NGÂN