Hồn dân tộc qua chiếc áo dài truyền thống

Cuộc sống ngày càng phát triển và luôn đổi thay từng ngày. Dù nhu cầu và phong cách thời trang thay đổi, nhưng áo dài vẫn luôn là trang phục mang linh hồn của dân tộc cũng như hình ảnh hiền dịu, thướt tha của người con gái Việt Nam.

Nhà thơ Đinh Vũ Ngọc từng ca ngợi chiếc áo dài vô cùng gợi cảm trong bài thơ Chiếc áo dài Việt Nam: “Chiếc áo quê hương dáng thướt tha/ Non sông gấm vóc mở đôi tà/ Tà bên Đông Hải lung linh sóng/ Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa/ Vạt rộng Nam phần chao cánh gió/ Vòng eo Trung Bộ thắt lưng ngà/ Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực/ Hương lúa ba miền thơm thịt da”. Áo dài là một biểu tượng văn hóa đã đi sâu vào tâm thức người Việt. Đâu chỉ đẹp, góp phần tôn nên nét duyên dáng của người mặc, mà ở chiếc áo dài, ta nhìn thấy sự cần cù, chịu thương chịu khó của phụ nữ Việt.

Gắn bó với nghề may áo dài hơn 10 năm nay, chị Nguyệt Ánh (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Nghề này tuy cực, đòi hỏi người thợ may phải khéo léo và tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ nhưng rất vui. Hạnh phúc với tôi vẫn là lúc khách hàng khoác lên bộ áo dài vừa vặn, tôn thêm vóc dáng yêu kiều, thướt tha. Chỉ vậy thôi, dù khó khăn với nghề, tôi cũng theo đến cùng!”.

Chiếc áo dài giúp tôn thêm nét đẹp cho người phụ nữ

Theo thời gian, chiếc áo dài bây giờ khác xưa rất nhiều. Nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, đòi hỏi người thợ may áo dài hay bất kỳ chủ cửa hàng thời trang nào cũng phải nhanh chóng cập nhật xu hướng của khách hàng, nhưng không vì thế mà đánh mất đi nét riêng vốn có của chiếc áo dài. Theo từng thời kỳ, sự kiện, mà chiếc áo dài được cách tân sao cho phù hợp nhất, nhưng vẫn giữ được tinh hoa, tinh thần dân tộc qua tà áo dài thướt tha.

Chị Ánh cho rằng, nếu yêu nghề thì vẫn có thể sống được với nghề may áo dài. Bởi, dù xã hội hiện đại, áo dài vẫn là trang phục khó thay thế được. Và, cho dù áo dài ngày nay may sẵn, nhưng vẫn còn rất nhiều người thích tự mình mua vải, tìm thợ may và gửi gắm mong muốn có được chiếc áo dài vừa ý. “Đó là lý do chúng tôi rất tự hào về nghề của mình. Dù có qua bao nhiêu năm, mình vẫn sống được với nghề, đó là hạnh phúc rất lớn!” - chị Ánh bày tỏ.

Tiền công may áo dài bình thường có giá khoảng 300.000 đồng/bộ. Tùy vào chất liệu vải cũng như thiết kế, mẫu mã mà giá chiếc áo dài có thể cao hơn. So với công sức lao động và tâm tư người thợ bỏ ra trong từng chiếc áo dài thì số tiền đó hợp lý. Để có chiếc áo dài đẹp, người thợ đôi khi phải thức khuya, dậy sớm để hoàn thành sản phẩm kịp giao cho khách. Đó không chỉ là uy tín, chất lượng mà người thợ may lặng lẽ làm “đẹp lòng” khách hàng. Áo dài vì thế càng được ưa chuộng. Bởi khi khoác lên chiếc áo dài, người phụ nữ trở nên duyên dáng, thướt tha mà khó có trang phục nào sánh được.

“Hầu như mỗi năm, tôi đều may 1-2 bộ áo dài, với nhiều màu sắc đa dạng. Tôi thích mặc chiếc áo dài vào những ngày quan trọng, vì nó giúp tôi tự tin và tôn thêm vẻ đẹp vốn có của phụ nữ. Tùy vào sự kiện tham dự, tôi sẽ chọn mặc áo dài truyền thống hay cách tân. Gần đây, khi gắn bó với công việc “MC” (dẫn chương trình), tôi càng thấy chiếc áo dài đẹp vô cùng khi được mình mặc trên sân khấu. Vì vậy, tôi luôn chọn mặc áo dài mỗi khi dẫn chương trình cho sự kiện dù lớn hay nhỏ. Trong trang phục thướt tha ấy, tôi dặn mình phải ứng xử chừng mực để tôn thêm vẻ đẹp cho áo dài” - chị Mỹ Tiên (33 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Áo dài Việt Nam nhìn trông đơn giản nhưng không phải dễ tạo thành vì rất “khó chiều”. Chiếc áo dài đẹp, hoàn hảo phụ thuộc rất nhiều vào công cắt, ghép và sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ may. “Để chiếc áo dài đẹp, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng từng người. Điều này phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của khách hàng.

Với người thợ, việc đo ni, xếp vải sao cho thật khéo để tránh khi cắt vải bị xéo, đường may trông thật mềm mại là tiêu chuẩn tiên quyết khẳng định tay nghề” - chị Ánh vừa nói, vừa chỉ vào những xấp vải áo dài khách đặt may. Dù thời gian có trôi qua, những mẫu trang phục ngày càng đa dạng và hiện đại, nhưng trên khắp nẻo đường nước ta, tà áo dài vẫn nhẹ nhàng tung bay mang theo nét đẹp, duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Nhiều chị em cho rằng, khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống giúp tôn lên nét mềm mại, duyên dáng và thể hiện sự tự tin trong công việc. Tôn trọng, giữ gìn nét đẹp của chiếc áo dài cũng chính là thể hiện niềm tự hào với một trang phục tinh tế, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hon-dan-toc-qua-chiec-ao-dai-truyen-thong-a330466.html