Hòn đảo lớn nhất trên Địa Trung Hải chiều lòng du khách nhờ ứng phó tốt với biến đổi khí hậu
Nằm ở phía nam nước Ý, Sicily là đảo lớn nhất ở Địa Trung Hải. Nơi đây nổi tiếng với đường bờ biển đẹp như tranh vẽ, các thị trấn lịch sử và nhiều điểm tham quan hấp dẫn.
Theo hãng AP, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những hồ nước ở Sicily đang trở nên khô cạn và các cánh đồng bị thiêu đốt bởi sức nóng ở Sicily. Tuy nhiên, hiện dòng nước mát vẫn đảm bảo đủ đầy cho khách du lịch khi đến đây vào mùa hè.
Dù sau gần một năm không có mưa trên hòn đảo nhưng các đài phun nước bên trong công viên khảo cổ học nổi tiếng Agrigento vẫn chảy và hồ bơi trong các dãy khách sạn vẫn chật kín người tắm.
Giống như nhiều hòn đảo Địa Trung Hải khác, người dân ở Sicily đã quen với những đợt nắng nóng kéo dài không mưa. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến thời tiết thất thường, hạn hán kéo dài và thường xuyên hơn.
Người dân đảo vẫn đang chống chọi với trạng thái thất thường của thời tiết – giống như đã làm trong nhiều thập kỷ. Họ cẩn thận tích trữ nhiều nhất có thể trong các bể chứa nước, sử dụng xe bồn để cung cấp nước và làm rất tốt để du khách không cảm thấy sự khác biệt.
Nhưng năm nay, hạn hán đã trở nên tồi tệ hơn, khiến cư dân phải đối mặt với nguy cơ lớn, ngay cả khi nước vẫn cung cấp đầy đủ đến các khách sạn và địa điểm du lịch.
Du khách vẫn hài lòng
Cơ quan quản lý lưu vực nước địa phương đã phân phối nước chặt chẽ hơn cho gần một triệu cư dân. Hiện tàu chở nước đầu tiên của hải quân Ý đã đến hòn đảo để cung cấp 12 triệu lít (3,2 triệu gallon) cho những cư dân bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đến hiện tại, người dân Agrigento hiện vẫn nằm trong số những người có khả năng chống chịu hạn hán tốt nhất ở Ý. Và ngay cả khi nước phân phối theo chỉ định, các doanh nghiệp, khách sạn, nhà nghỉ và hộ gia đình vẫn đảm bảo cung cấp nước cho dịch vụ tắm rửa, chăm sóc vườn cây.
"Không ai có thể đối phó tình trạng thiếu nước tốt hơn người dân miền Nam Sicily", bà Salvatore Cocina, người đứng đầu cơ quan bảo vệ dân sự địa phương, người có nhiệm vụ khó khăn là điều phối lượng nước trên đảo, nhận định.
Tình trạng thiếu nước không phải là điều mới mẻ vì địa hình miền nam Sicily không có nhiều nước. Các đường ống dẫn nước đang bị rò rỉ. Khu vực này cũng dễ xảy ra tình trạng khô hạn, đặc biệt là vào mùa hè.
Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều sở hữu một bể nước riêng có thể chứa ít nhất một nghìn lít (264 gallon). Các mái nhà của thành phố cũng rải rác những bể nhựa lớn chứa nước, và rất nhiều bể ngầm trong vườn và tầng hầm.
Bất chấp tình trạng khẩn cấp về nước, khách du lịch vẫn tiếp tục đổ xô đến những bãi biển xinh đẹp ở phía nam Sicily và xếp hàng chiêm ngưỡng những di tích của các thuộc địa Hy Lạp cổ đại.
"Tôi không gặp vấn đề gì với nước", du khách người New Zealand Iain Topp cho biết, khi anh đổ mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời gay gắt trong chuyến thăm ngôi đền Concord 2.500 năm tuổi. Nhưng anh nói thêm rằng anh "được khuyến cáo tiết kiệm nước vì có thể xảy ra tình trạng thiếu nước".
Hay Gianluca, một du khách người Ý đến từ Lodi cũng nói rằng anh không gặp vấn đề rắc rối về nước khi đến đây.
"Tại khách sạn của tôi, lễ tân nói với tôi rằng khách sạn có nguồn dự trữ riêng, bể chứa nước của họ", Gianluca nói thêm.
Di tích khảo cổ Thung lũng Đền thờ đã thu hút hơn một triệu du khách vào năm ngoái, cũng đã được ưu tiên cung cấp nước, do đó không bị thiếu nước.
"Chúng tôi vẫn được đảm bảo nước sinh hoạt đầy đủ cho du khách. Các nhà khảo cổ học của chúng tôi đang làm việc, thung lũng cũng mở cửa vào ban đêm với các vở kịch sân khấu. Chúng tôi không gặp vấn đề gì về nguồn cung cấp nước", đại diện Thung lũng Đền thờ cho biết.
Trong khi đó, các giải pháp ứng phó với tình trạng cư dân thiếu nước hiện đang có hiệu quả khá tốt.
Theo cơ sở bảo vệ dân sự khu vực, năm 2024 là năm có lượng mưa thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Hồ Fanaco, nơi cung cấp nước cho tỉnh Agrigento, từng thu thập tới 18 triệu m3 nước trong mùa mưa trung bình, thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4. Nhưng đến tháng 4, mực nước của hồ giảm xuống dưới 2 triệu m3 và hiện gần như khô cạn hoàn toàn.
Vào tháng 5, chính quyền quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán và phân bổ 20 triệu euro (21,7 triệu đô la) để mua xe bồn chứa nước và đào giếng mới.
Nhiệt độ ở miền nam Sicily hiện ấm hơn 2 độ C (3,6 độ F) so với mức trung bình 1991-2020, theo Chỉ số chuyển dịch khí hậu, nghĩa là nước bốc hơi nhanh.
"Nếu không có mưa vào tháng 9, chúng tôi sẽ phải bắt đầu khai thác các nguồn dự trữ quan trọng. Không chỉ riêng ở các hồ, các giếng nước và tầng chứa nước cũng sẽ xuống dưới mức nghiêm trọng ", bà Cocina cho biết.
Giải pháp kéo dài
Điện thoại của Salvatore Di Maria hiếm khi ngừng đổ chuông. Anh là tài xế và chủ sở hữu của một trong những đội xe chở nước trong khu vực.
Vào một ngày nóng nực gần đây, Di Maria nhấc máy khi đang đổ đầy nước vào chiếc xe bồn màu xanh sáng bóng của mình tại một trạm nước công cộng.
"Tôi cần 12.000 lít (3.170 gallon) nước", giọng nói ở đầu dây bên kia gọi từ một khu nghỉ dưỡng du lịch.
"Có danh sách chờ từ 10 đến 15 ngày", Di Maria trả lời.
Mọi người đều cần nước từ anh ấy. Mọi người muốn đảm bảo rằng họ sẽ không hết nước. Và xe bồn là cách tốt nhất để cung cấp nguồn nước quý giá trực tiếp cho cư dân mà không bị rò rỉ.
Hàng chục tài xế chạy xe dự trữ nước trên những con đường quanh co để cung cấp nước cho các khu vực ưu tiên theo quyết định của công ty nước địa phương (AICA). Các nhóm ưu tiên cao hơn là người bệnh hoặc người già, bệnh viện và một số doanh nghiệp quan trọng, chẳng hạn như khách sạn.
"Tình trạng khẩn cấp do hạn hán là một lời cảnh tỉnh. Đường ống dẫn nước của chúng tôi bị rò rỉ từ 50 đến 60% lượng nước", Settimio Cantone, Chủ tịch AICA giải thích.
"Chúng tôi hiện đang đào giếng mới, sửa chữa toàn bộ hệ thống cấp nước và kích hoạt lại một nhà máy khử muối bằng các quỹ khẩn cấp. Điều này cũng sẽ giúp chúng tôi chủ động hơn với nguồn cung cấp nước", ông nói.
"Sicily rất dễ bị tổn thương do đường ống bị rò rỉ. Cơ sở hạ tầng lỗi thời và quá nhỏ", Giulio Boccaletti, Giám đốc khoa học của trung tâm Euro-Mediterranean về biến đổi khí hậu cho biết.
Giữa các chuyến thăm của xe chở nước, một số cư dân Agrigento thường xuyên đi đến đài phun nước công cộng duy nhất còn mở trong thị trấn để đổ đầy vào can nhựa trên đường về nhà.
Nuccio Navarra là một trong những cư dân đó. Anh đổ đầy nước vào can nhựa từ đài phun nước Bonamorone hai hoặc ba lần một ngày.
Nhà khoa học về khí hậu Boccaletti lo sợ về tương lai của nguồn cung cấp nước, mặc dù ông lưu ý rằng việc sửa chữa cơ sở hạ tầng nước và đầu tư để thích ứng với nông nghiệp và kỹ thuật có thể phần nào giảm căng thẳng.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), lưu vực Địa Trung Hải "sẽ trải qua nhiệt độ cao hơn, lượng mưa ít hơn và mực nước biển tiếp tục dâng cao trong những thập kỷ tới". Khu vực này là "điểm nóng biến đổi khí hậu" do tính dễ bị tổn thương của các hệ sinh thái và con người./.