Hòn Hải - Cột mốc chủ quyền thiêng liêng giữa Biển Đông

Đảo Hòn Hải là điểm A6 đánh dấu đường cơ sở Việt Nam, đây được xem như điểm xa nhất của đường viền nội thủy của nước ta ở vùng Nam Biển Đông.

Đường bê tông dài 107m tới ngọn hải đăng trên đảo Hòn Hải và điểm cột mốc A6. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Đường bê tông dài 107m tới ngọn hải đăng trên đảo Hòn Hải và điểm cột mốc A6. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, phóng viên TTXVN vinh dự được cùng Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đến thăm, kiểm tra các công trình tại đảo Hòn Hải (Bình Thuận).

Đảo Hòn Hải là điểm A6 đánh dấu đường cơ sở Việt Nam, đây được xem như điểm xa nhất của đường viền nội thủy của nước ta ở vùng Nam Biển Đông.

Hòn Hải còn được gọi là Hòn Khám nằm ngay trên đường cơ sở xác định lãnh hải Việt Nam (có tên gọi trên bản đồ quốc tế là Poulo Sapate). Hòn Hải thuộc huyện đảo Phú Quý và nằm cách đảo Phú Quý 38 hải lý về Đông Nam.

Đảo có chiều dài khoảng 900m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60 m, điểm cao nhất khoảng 115m tính từ mặt biển. Hình dạng của Hòn Hải như một khối đá khổng lồ nhô lên giữa Biển Đông.

Hiện nay, chỉ có cán bộ, nhân viên đảm bảo an toàn hàng hải làm việc trong căn nhà bê tông dưới chân đảo. Để lên được bề mặt của đảo phải đi theo một đường hầm trong lòng đảo đã được xây dựng với chiều dài khoảng 170m.

Trên mặt đảo hiện nay có các hạng mục như, ngọn hải đăng, cột mốc A6, sân đỗ trực thăng… Để lên được đảo là nhiệm vụ khó khăn do sóng biển, đá ngầm nguy hiểm và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Hằng năm, vào cuối những tháng 3 đầu tháng 4 (âm lịch) khi sóng êm thì tàu mới có thể tiếp cận để người lên đảo. Rất nhiều chuyến hàng chở vật liệu, nhu yếu phẩm, đoàn công tác… ra đến nơi nhưng không thể cập bến đảo và phải ngậm ngùi quay về trong tiếc nuối.

Một cán bộ đang làm việc tại đảo cho biết, các công nhân sinh sống, làm việc ở đây trong điều kiện rất khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

Hòn Hải có cấu tạo địa hình, địa chất rất phức tạp, vách đá dựng đứng cao hơn 100m thường xuyên có những tảng đá lớn từ trên cao có thể rơi xuống bất cứ khi nào hay những con sóng lớn cùng dải đá ngầm bên dưới vô cùng nguy hiểm nếu sơ ý trượt ngã.

Nơi đây có những khu vực rào chắn cẩn thận và không ai được vào tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 Một góc Hòn Hải nhìn từ điểm cao nhất của đảo trước trời biển bao la rộng lớn. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Một góc Hòn Hải nhìn từ điểm cao nhất của đảo trước trời biển bao la rộng lớn. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Khi Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đến Hòn Hải cũng phải mất gần 45 phút mới lên được đảo trong điều kiện thời tiết tốt cho thấy mức độ nguy hiểm của vùng này.

Khi bước chân lên Hòn Hải, tất cả thành viên trong Đoàn công tác đều hân hoan hạnh phúc và tự hào vì đây là biển đảo quê hương, một phần xương máu của những người lính đã xây dựng, giữ gìn cho đến hôm nay.

Tại đây, Đoàn ân cần thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, nhân viên đảm bảo an toàn hàng hải đang làm việc trên đảo. Đoàn đến kiểm tra cột mốc đánh dấu đường cơ sở A6 đang được tôn tạo khẩn trương để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh.

Thiếu tá Trương Thanh Kiên, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý cho biết, trong thời gian xây dựng tôn tạo cột mốc A6 tại Hòn Hải, Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý đã vượt qua khó khăn về thời tiết, trở ngại để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.

Đơn vị thường xuyên tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực đảo Hòn Hải cũng như hỗ trợ các lực lượng tham gia xây dựng.

Đại tá Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, điểm cột mốc A6 trên Hòn Hải là một trong 11 điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.

Cột mốc A6 được xây dựng từ năm 2016, trải qua thời gian dài do tác động thời tiết đã xuống cấp. Với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã quyết định tôn tạo cột mốc A6.

Đây là công trình có ý nghĩa thiêng liêng, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Công trình hoàn thành nhằm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận và 50 năm Ngày thành lập Bộ đội Biên phòng tỉnh 6/5/1975-6/5/2025.

Sau khi kiểm tra một vài điểm công trình, Đoàn công tác nhanh chóng xuống tàu di chuyển về đảo Phú Quý vì tình hình thời tiết không thuận lợi.

Dù tàu đã di chuyển ra xa, chúng tôi vẫn nhìn thấy cột mốc A6 hiên ngang thẳng đứng giữa biển trời và trên đỉnh cao nhất của đảo Hòn Hải như thể hiện ý chí quyết tâm, kiên cường của những người lính không quản ngại gian khổ ngày đêm canh giữ vùng đất, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Bên cạnh cột mốc A6 là ngọn hải đăng sừng sững thách thức thời gian để dẫn lối cho tàu thuyền giúp ngư dân cảm thấy yên tâm trong mỗi hành trình khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hon-hai-cot-moc-chu-quyen-thieng-lieng-giua-bien-dong-post1035189.vnp