'Hơn Nghe' trong vườn của người Tày

Đến các xã ở huyện Văn Bàn có đồng bào Tày sinh sống, đa phần trong vườn nhà được dựng ít nhất 1 "Hơn Nghe", bên trong có bát hương để thờ cúng. Nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là bàn thờ thổ công của người Tày, nhưng thực tế đó là bàn thờ cúng bố mẹ của con dâu trong gia đình.

Nói về tục thờ nhà ngoại, cụ Hoàng Văn Khiêm, thôn Bản Pàu, xã Dương Quỳ cho biết: Nhà sàn là nơi ở và thờ cúng tổ tiên bên nhà chồng, nên hồn tổ tiên bên nhà vợ không thể vào nhà sàn được.

"Hơn Nghe" được dựng mô phỏng như một ngôi nhà sàn, nhưng khá đơn giản, với 4 thân tre, mái cọ và vách nhà đan bằng tre, nứa hoặc các tấm gỗ. "Hơn Nghe" cũng được đan mô phỏng cầu thang lên nhà bằng các thanh tre hoặc nứa. Ngôi nhà nhỏ này chỉ đủ diện tích để vừa đặt một mâm cỗ cúng. Nếu cô gái Tày có bố hoặc mẹ mất thì "Hơn Nghe" chỉ có 1 mái, nếu cả bố và mẹ đã mất thì nhà có 2 mái. Tuy đơn sơ, nhưng những “ngôi nhà” này lại mang ý nghĩa rất sâu sắc đối với người Tày. Đặc biệt, đối với các cô gái Tày lấy chồng xa, khi bố mẹ mất đi, việc đặt một bàn thờ ngay gần nhà sẽ khiến mọi người có cảm giác bố mẹ vẫn đang dõi theo, chỉ bảo, phù hộ.

Có những nhà có 2 hoặc 3 "Hơn Nghe" khi gia đình có nhiều con dâu hoặc 2 - 3 đời cùng sinh sống. Mỗi cô dâu được dựng 1 "Hơn Nghe" riêng. Bà Phùng Thị Sanh, ở thôn Tông Hốc, xã Dương Quỳ cho biết: Đó là tục lệ từ nhiều đời. Từ khi bố mẹ mất, tôi cũng dựng nhà nhỏ để mời bố mẹ về nhận lễ thờ cúng. Ngày mẹ chồng tôi còn sống, trong vườn có 2 "Hơn Nghe". Mẹ chồng tôi cũng thờ cúng nhà ngoại của mẹ. Ngày đưa mẹ chồng về với tổ tiên, "Hơn Nghe" của mẹ được lay đổ đi cùng với mẹ”.

Tục thờ cúng nhà ngoại không chỉ lưu giữ những giá trị truyền thống của người Tày, mà còn phản ánh sự tôn trọng, hiếu thảo sâu sắc đối với bố mẹ. Đối với phụ nữ Tày, "Hơn Nghe" vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, vừa là nơi lưu giữ những kỷ niệm, tình cảm gắn bó với bố mẹ.

Suốt cả năm, "Hơn Nghe" không được sửa chữa, người nhà ít lui tới với ý nghĩa để bố mẹ nghỉ ngơi. Thông thường, “ngôi nhà” được sửa lại hoặc làm mới vào thời điểm gần tết Nguyên đán hằng năm. Tại đây, người Tày sẽ thực hiện các nghi lễ cúng đơn giản hơn so với mâm cúng chính ở nhà. Người thực hiện nghi thức cúng là con rể hoặc cháu ngoại, con gái ít khi tự cúng bởi đó là thời điểm dễ xúc động, không nói nên lời.

Những thực phẩm cúng thường gồm có 1 con gà, rượu, bánh kẹo hoặc một loại bánh truyền thống như bánh chuối, bánh chưng. Đáng chú ý, người Tày không đặt đồ cúng và thắp hương vào ngày mùng 1 và 15 mà cúng lễ vào ngày Rằm tháng 7 hoặc có gia đình chỉ cúng vào tết Nguyên đán. Riêng vào dịp tết Nguyên đán, mâm cúng có thêm gói mứt Tết và cây mía (tượng trưng cho cây gậy).

Ngày nay, nhiều gia đình người Tày có điều kiện kinh tế đã xây dựng những "Hơn Nghe" khang trang hơn, nhằm che mưa, nắng tốt hơn, thay vì phải tự dựng lại hằng năm.

Những “ngôi nhà” nhỏ trong vườn của người Tày không chỉ lưu giữ nét đẹp văn hóa độc đáo, mà còn thể hiện sự hiếu thảo, tôn kính bố mẹ của con cái; làm phong phú, sâu sắc vốn văn hóa của người Tày Văn Bàn - nơi lưu giữ một phần tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hon-nghe-trong-vuon-cua-nguoi-tay-post387845.html