Hớn Quản, Bình Phước: Tự hào quá khứ, vững bước tương lai

Sau 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, người dân địa phương hôm nay tự hào bởi một Hớn Quản đang vươn mình lớn mạnh, tự lực, tự cường, phát huy truyền thống cách mạng, cũng như tiềm năng, thế mạnh góp sức xây dựng quê hương. Những con đường rộng lớn, nhà máy, xí nghiệp đang đua nhau mọc lên là minh chứng cho thành quả của vùng đất cách mạng - một vùng đất luôn biết lấy sự đoàn kết toàn dân làm động lực, khát vọng vươn lên, xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tượng đài khu di tích lịch sử cấp quốc gia Tàu Ô, ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Tượng đài khu di tích lịch sử cấp quốc gia Tàu Ô, ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Phát huy truyền thống lịch sử

Trong ký ức của nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Bình Long Lê Minh Xước, hiện ở ấp 1, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, cách đây 50 năm, quân và dân Hớn Quản - Bình Long đã nỗ lực cùng với Quân đoàn 4 vững chí bền gan, không ngại hy sinh, gian khổ, một lòng, một ý chí, quyết tâm giải phóng quê hương. 50 năm sau chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, nhất là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ông Xước vui mừng khi quê hương mình đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Những chuyển biến tích cực ấy xuất phát từ sự lãnh đạo sáng suốt của Huyện ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND huyện, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện, sự phối hợp nhịp nhàng của MTTQ và các đoàn thể, cùng nỗ lực, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. “Từ việc phát huy truyền thống lịch sử mà Hớn Quản bây giờ ngày càng phát triển, nhất là từ khi tái lập, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện có sức bật mạnh mẽ. Và tôi tin rằng, Hớn Quản ngày càng phát triển vững chắc về sau này” - ông Lê Minh Xước chia sẻ.

Nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Bình Long Lê Minh Xước

Nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Bình Long Lê Minh Xước

Huyện Hớn Quản có nhiều thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ phát triển cây cao su và các loại cây ăn trái. Hớn Quản cũng có giao thông thuận lợi để phát triển. Do đó, Hớn Quản phải cố gắng nhiều hơn nữa. Trước hết phải làm như thế nào để thu hút các nhà đầu tư đến huyện, để cuộc sống của người dân ngày càng thay đổi về mọi mặt.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước
NGUYỄN TẤN HƯNG

Ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Tiểu đội trưởng Lực lượng an ninh bảo vệ Huyện ủy Hớn Quản, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước

Ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Tiểu đội trưởng Lực lượng an ninh bảo vệ Huyện ủy Hớn Quản, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước

Quán triệt 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc xã hội chủ nghĩa, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Bình Long - Hớn Quản luôn có những chỉ đạo, quyết sách sát tình hình thực tế của tỉnh và địa phương; chú trọng việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh... Nhờ đó mà từ vùng đất bom cày, đạn xới năm xưa, nay được thay bằng những công trình dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp sản xuất và cả những vườn cao su, vườn cây ăn trái bạt ngàn, hứa hẹn về sự đủ đầy cho cuộc sống của người dân.

Công nhân Công ty Kumo Việt Nam tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước trong giờ làm việc

Công nhân Công ty Kumo Việt Nam tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước trong giờ làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11-8-2009 của Chính phủ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được tái lập trên cơ sở một phần của huyện Bình Long. Đến nay, huyện Hớn Quản có 13 xã, thị trấn, với diện tích 664,14km2, dân số 102.643 người, huyện lỵ đặt tại thị trấn Tân Khai.

Đoàn kết để phát triển

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước - Phan Thị Kim Oanh nhấn mạnh: Những ngày đầu tái lập, cơ sở hạ tầng của huyện không đồng bộ, thiếu thốn; đời sống, thu nhập của người dân còn rất thấp, thu ngân sách không đáng kể; trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu. Thế nhưng, trải qua hơn 10 năm tái lập, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch rất mạnh mẽ. Tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 50%, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm trên 50%. Thu ngân sách của huyện 7 tháng năm 2022 đạt hơn 300 tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập bình quân đến nay đạt 66 triệu đồng/người/năm. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Hớn Quản luôn đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ để xây dựng Hớn Quản ngày một giàu đẹp.

Một góc Quốc lộ 13 đi qua thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Một góc Quốc lộ 13 đi qua thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Để tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển, mang tới sự thuận lợi trong sinh hoạt, học tập, lao động, sản xuất của người dân, thời gian qua, huyện đã triển khai quy hoạch các dự án khu dân cư, công trình công cộng phù hợp tình hình thực tế và kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài. Đáng chú ý, UBND huyện và các cấp, ngành đã và đang triển khai xây dựng 5 cụm công nghiệp, 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 100 ha để hình thành các cụm chế biến nông sản, sản xuất thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và hàng tiêu dùng. Trong đó, huyện đã áp dụng nhiều chính sách thu hút ưu đãi, đảm bảo doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động trên địa bàn đều ổn định và phát triển. Đến nay, địa bàn huyện có hơn 400 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề: chế biến gỗ, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản.

Phát huy những kết quả đạt được, cùng với niềm tự hào truyền thống cách mạng của chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hớn Quản sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, xây dựng Hớn Quản phát triển trên tất cả các mặt, để không phụ lòng tin tưởng của thế hệ đi trước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước
PHAN THỊ KIM OANH

Anh Lê Sĩ Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH Điều Vàng, ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Trong quá trình thành lập và đi vào hoạt động đến nay, công ty luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là về giải quyết thủ tục hành chính, an ninh trật tự. Do đó, công ty rất an tâm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn”.

Đến nay, huyện Hớn Quản có 24 hợp tác xã, 34 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Huyện đang hỗ trợ tích cực về mọi mặt để xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm như: gạo An Khương; dưa lưới, cây có múi hữu cơ Tân Khai; bưởi da xanh hữu cơ Tân Hiệp... nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy sự hưởng ứng, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Huyện đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, tỉnh, huyện và vốn lồng ghép, tín dụng, cùng với sự góp sức của các doanh nghiệp và nhân dân. Đến nay, huyện có 9/13 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân xã đạt 18,06/19 tiêu chí.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trong đó ưu tiên tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình phục vụ sản xuất và xã hội như: giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế… tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của người dân. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao mức sống nhân dân. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện còn khoảng 380 hộ nghèo, chiếm 1,35% tổng dân số toàn huyện, trong đó 229 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 60,26%.

Bên cạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, lãnh đạo huyện Hớn Quản luôn quan tâm, chăm lo đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong ảnh: Ban tổ chức Chương trình "Màu hoa đỏ" năm 2022 và lãnh đạo huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được phát huy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh. Công tác giáo dục được huyện đặc biệt quan tâm; trong đó, đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tích đáng kể. Đội ngũ y, bác sĩ tiếp tục được nâng cao cả về phẩm chất và năng lực chuyên môn, đạt tỷ lệ 4,9 bác sĩ/vạn dân.

Tự tin “cất cánh”

Những công trình phúc lợi xã hội, khu công nghiệp, khu dân cư đang đua nhau mọc lên trên vùng đất cách mạng Hớn Quản hôm nay, cùng với đó là sự phát triển của các loại cây trồng chủ lực, hứa hẹn đưa kinh tế công - nông nghiệp của địa phương phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Đường vào trung tâm hành chính huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Đường vào trung tâm hành chính huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Chốt chặn Tàu Ô gắn liền với Đường 13 chiến lược. Và con đường ấy, nay vẫn giữ vai trò chiến lược quan trọng bởi sự kết nối giao thương giữa Bình Phước với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vương quốc Campuchia, trở thành động lực phát triển của tỉnh Bình Phước. Điều đó càng nhân lên niềm hạnh phúc và tự hào để Hớn Quản tự tin "cất cánh".

Lệ Quyên - Thanh Lâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136282/tu-hao-qua-khu-vung-buoc-tuong-lai