Hồn quê chợ Tết
Những phiên chợ Tết vẫn luôn là một phần quan trọng trong không gian văn hóa Tết Việt. Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ Tết vẫn chứa đựng giá trị văn hóa, tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người dịp Tết đến, Xuân về.
Người dân lựa chọn lá dong...
...và mua các loại hạt giống tại chợ Tết xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 chợ nông thôn. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử, diện mạo, không gian, tên làng có thể thay đổi nhưng tinh thần, hồn cốt của đất và người vẫn được lưu giữ trong hình hài chợ, đặc biệt là chợ quê ngày Tết. Chợ phiên ngày Tết không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là nơi để mỗi người có thể tìm về và cảm nhận sâu sắc hơn sự gắn bó với cộng đồng, những đặc sắc của phong tục địa phương, sự giao hòa của đất trời, vạn vật khi Xuân đang về trên khắp quê hương.
Người dân mua mộc nhĩ, măng khô cho ngày Tết tại sạp hàng khô chợ Cao Xá, huyện Lâm Thao
Phiên chợ Tết như khúc nhạc mùa Xuân với đủ đầy âm sắc, cung bậc. Mọi người đi phiên chợ Tết nhất định phải ghé qua hàng gạo, hàng đỗ lựa những loại gạo ngon nhất để thổi xôi, làm bánh chưng cúng gia tiên ba ngày Tết. Từng thúng gạo nếp, đỗ xanh vun đầy có ngọn, thúng nào thúng ấy đầy ụ, bên trong hạt gạo căng tròn. Ở dãy hàng khác là bòng, bưởi, chuối thờ Tết, là hàng lá dong, mẹt bánh đa, bánh đúc, những sạp hàng mã, trầu cau. Một góc chợ xa rực màu thắm của hoa đào, màu vàng của cúc vạn thọ. Cuối chợ ồn ã với những âm thanh của gà, vịt, ngan, ngỗng… Tất cả đã tạo nên âm sắc sống động của chợ Tết quê.
Đặc sản cơm lam được bán tại chợ quê.
Về chợ Cao Xá, huyện Lâm Thao chúng tôi cảm nhận rõ những nét riêng của chợ quê. Chợ họp theo phiên vào ngày 2,4,7,9 âm lịch. Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, chợ trở nên đông đúc hơn ngày thường và có những thứ chỉ dịp Tết mới bày bán. Đó là hàng lá dong xanh bên những sợi lạt chẻ từ cây giang rừng, hàng bán hương trầm tỏa hương dìu dịu, hàng bán cây mùi già để đun nước tắm tẩy trần đón năm mới. Ngày thường, lác đác hàng bán chuối, cau nhưng vào dịp Tết những hàng này đông đúc, nhộn nhịp. Rồi những gian hàng nón, hàng chiếu cũng tấp nập. Từ năm giờ sáng, trong màn sương dày đặc, chưa tỏ mặt người, chợ đã nhộn nhịp, hàng nối hàng san sát nhau. Tiếng bước chân nhộn nhịp, những tiếng nói cười vang vọng, đối đáp vội vàng của người đi chợ.
Chị Cao Thị Thủy bán lá dong ở chợ cho biết: Ngày thường tôi bán nón còn từ đầu tháng Chạp tôi nhập lá dong về bán. Giờ cuộc sống đủ đầy nhưng ở thôn quê cứ ngày 27,28 Tết là hầu như nhà ai cũng nổi lửa nấu bánh chưng, vì vậy lượng tiêu thụ lá dong dịp này tương đối lớn. Loại lá dong có tán lá to, bản rộng, màu xanh đậm được khách hàng ưa chuộng bởi khi làm bánh sẽ giữ được mà xanh và vị thơm đặc trưng. Tùy theo loại lá mà có giá từ 60.000 đồng – 90.000 đồng/100 tàu lá.
Chợ Tết là nét đẹp văn hóa và cũng là nơi chứa đựng các sắc thái văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao. Chợ có thêm những gian hàng hiện đại bán các sản phẩm công nghiệp, đã có đầy đủ các loại hoa, cây cảnh mang về từ khắp các miền Nam, Bắc nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng có. Đến những phiên chợ Tết điển hình ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… để lại ấn tượng về những nụ cười hồn hậu, không khí ấm cúng thân thiện như tính cách của con người nơi đây và cũng hiểu thêm được nhiều điều về văn hóa truyền thống, đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao. Điểm chung của chợ Tết vùng cao này là hàng hóa hầu hết đều là nông sản địa phương hay nông cụ sản xuất do chính bàn tay người dân làm ra. Sản phẩm của địa phương được bày bán, trao đổi ở chợ là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao như cây thuốc, khăn thổ cẩm, cơm lam, mộc nhĩ, măng khô, gạo nếp, chè búp khô, các loại bánh, mật ong....
Khách hàng sắm Tết, chọn mua hàng gia dụng tại chợ Tân Phú, huyện Tân Sơn.
Tại xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, vào ngày giáp Tết, chợ có thêm hàng từ tiểu thương các xã lân cận đưa về bán. Ở cổng chợ, tiếng nhạc Xuân vang lên: “Xuân, Xuân ơi, Xuân đã về!” làm lòng người xốn xang. Chợ họp vào thứ ba, thứ năm và chủ nhật hàng tuần. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó trưởng Ban Quản lý các công trình công cộng và Cụm công nghiệp Tân Sơn cho biết: Ban Quản lý là đơn vị trực tiếp quản lý chợ Tân Phú với gần 100 gian hàng cố định, chợ được đầu tư nâng cấp không chỉ tạo thuận lợi cho người dân buôn bán, sinh hoạt mà còn đẩy mạnh hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Để bà con yên tâm mua sắm Tết, Ban Quản lý phối hợp với chính quyền xã tích cực tuyên truyền để các tiểu thương chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các mặt hàng cấm.
Phiên chợ Tết chính là nơi lưu giữ những phong tục truyền thống, đặc trưng của làng, xã. Đây cũng là nơi giao thương, là nơi gặp gỡ, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.
Nguyễn Huế
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/hon-que-cho-tet/190186.htm