Honda Việt Nam: Lãi gần 20.000 tỷ đồng trong năm tài chính 2024, tiền mặt tăng mạnh
Kết thúc năm tài chính 2024, Honda Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 20.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty tăng vọt lên hơn 21.443 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 tổng tài sản ngắn hạn, cho thấy chiến lược tích lũy dòng tiền mạnh trong bối cảnh mới dự báo không nhiều thuận lợi.
Xe máy chiếm 87% doanh thu,mang về hơn 97.196 tỷ đồng
Theo báo cáo năm tài chính 2024 (31/3/2024 - 31/3/2025) được Công ty Honda Việt Nam công bố, kết thúc năm 2024 hãng ghi nhận doanh thu đạt hơn 111.563,65 tỷ đồng, tăng hơn 13.366,91 tỷ đồng, tương đương tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu từ mảng xe máy tiếp tục đóng vai trò chủ lực, mang về hơn 97.196 tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng doanh thu. Trong khi đó, mảng ô tô cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ với doanh thu vượt 14.367 tỷ đồng, cao hơn gần 1.600 tỷ đồng so với năm trước, tức tăng hơn 12%.
Tổng chi phí giá vốn hàng bán trong năm gần 76.000 tỷ đồng, trong đó xe máy chiếm gần 62.360 tỷ đồng, ô tô hơn 13.435 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng nhẹ lên 32%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty giảm nhẹ 8,6% còn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện (trên 1.100 tỷ đồng), lãi tiền gửi (khoảng 59 tỷ đồng) và phần còn lại từ các khoản lãi chưa thực hiện, lợi nhuận được chia.
Sau thuế, công ty báo lãi gần 19.800 tỷ, tăng 16,8% so với năm 2023, tương đương hơn 2.800 tỷ đồng lãi tăng thêm chỉ sau một năm.

Một số chỉ tiêu tài chính của Honda trong năm tài chính 2024. Ảnh: Mai Trang tổng hợp. (Đơn vị: Triệu đồng).
Hơn 21.443 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền
Về tài sản, tổng quy mô tài sản của Honda Việt Nam đến cuối năm 2024 đạt hơn 38.196 tỷ đồng, tăng gần 4.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Phần lớn là tài sản ngắn hạn với giá trị lên tới gần 32.000 tỷ, tương ứng 83,5% tổng tài sản. Trong đó, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của công ty tăng mạnh lên mức 21.443 tỷ đồng, cao hơn khoảng 4.300 tỷ đồng so với năm trước, tức tăng hơn 25%.
Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 1.819 tỷ, chủ yếu từ các đơn vị liên kết trong hệ sinh thái Honda toàn cầu như Honda Motor Co., Ltd, Asian Honda Motor, Honda Italia, Honda Philippines,… Ngoài ra còn hơn 651 tỷ đồng từ các đại lý và khách hàng khác trong nước.
Tính đến cuối năm, Honda Việt Nam ghi nhận hàng tồn kho 7.062 tỷ đồng, tăng gần 243 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ cấu tồn kho chủ yếu là hàng hóa, thành phẩm, hàng mua đang đi đường, nguyên vật liệu…
Nợ phải trả của Honda Việt Nam tính đến cuối năm 2024 là hơn 17.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn với hơn 15.142 tỷ đồng. Hiện công ty đang ghi nhận hơn 7.318 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn và hơn 2.132 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn.
Công ty cũng ghi nhận tới hơn 1.528 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Đến cuối năm 2024, công ty đang có hơn 27 tỷ đồng phải trả người lao động, tăng gấp gần 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến cuối năm 2024, Honda Việt Nam ghi nhận tới hơn 27,28 tỷ đồng phải trả người lao động. Ảnh: BCTC của Honda.
Vốn chủ sở hữu của Honda Việt Nam đến cuối năm 2024 ghi nhận 21.007 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là hơn 1.191 tỷ đồng. Thuyết minh cho biết vốn điều lệ được duyệt và đã góp của công ty gồm: Honda Motor Co.,Ltd (hơn 500 tỷ đồng, tỷ lệ 42%); Asian Honda Motor Co.,Ltd (hơn 333 tỷ đồng, tỷ lệ 28%) và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (hơn 357 tỷ đồng, tỷ lệ 30%).
Tăng tốc điện khí hóa xe hai bánh còn chậm
Theo Reuters, Honda đang đầu tư mạnh vào mảng điện khí hóa. Trong tổng số 10 nghìn tỷ yen (khoảng 65 tỷ USD) dành cho toàn bộ chiến lược EV/Hybrid đến năm 2031, hãng dự tính đổ vào xe máy điện một phần đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh EV không suôn sẻ 100%. Honda đã “giảm tốc” đầu tư tại Mỹ, ưu tiên các dòng hybrid do nhu cầu tiêu dùng điện đang chậm hơn kỳ vọng. Thậm chí hãng có lần đã tuyên bố không tách riêng mảng xe máy điện thành doanh nghiệp độc lập. Dự báo EV chỉ chiếm 20% doanh số vào năm 2030, thay vì 30% như kỳ vọng trước.
Theo Reuters, một trong những trở ngại quan trọng nhất là xe điện thường nặng hơn và đắt hơn so với xe truyền thống. Công cuộc điện khí hóa đòi hỏi tích hợp bộ pin, mô-tơ và hệ thống quản lý điện, khiến giá bán tăng, đặc biệt ảnh hưởng đến những thị trường nhạy cảm về chi phí như Ấn Độ hay Đông Nam Á. Người dùng tại châu Á có thói quen di chuyển xa, tải nặng, vậy nên EV sẽ trở nên khó tiếp cận nếu không có động thái đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng.
Trước đó, Honda từng thử nghiệm nhiều sản phẩm và nền tảng pin hoán đổi, song thực tế triển khai tại Đông Nam Á hay Ấn Độ vẫn còn chậm. Các thị trường này chưa đủ hấp dẫn để chuyển hoàn toàn sang EV nhanh chóng, trái lại vẫn ưu tiên xe xăng giá rẻ và dễ bảo trì.
Trong một diễn biến khác, khi Honda Motor gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này lại tìm cách duy trì vị thế thống trị toàn cầu của mình thông qua kế hoạch điện khí hóa xe hai bánh tại thị trường Ấn Độ. Thị trường xe điện của Ấn Độ đang mở rộng nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Theo KPMG Consulting, vào năm 2023, số lượng xe hai bánh chạy điện được bán ra tại đây đã tăng vọt 35% lên 930.000 chiếc. Xe điện chiếm khoảng 6% xe hai bánh được bán ra tại Ấn Độ, thị phần tăng 5,3 điểm phần trăm trong 3 năm.
Honda đang gấp rút tung ra những chiếc xe hai bánh chạy điện có giá cả phải chăng so với các đối thủ cạnh tranh. Hãng có kế hoạch mở một nhà máy điện chuyên dụng vào năm 2028 tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ, đồng thời chuẩn hóa thiết kế cho các thành phần.
Dịch vụ khách hàng có thể sẽ trở thành lợi thế của Honda. Hãng đã xây dựng được mạng lưới khoảng 6.000 địa điểm bán hàng trên khắp Ấn Độ, cung cấp dịch vụ sau bán hàng và thay pin.
Honda đặt mục tiêu kiểm soát gần một nửa thị trường xe hai bánh toàn cầu vào năm 2030 và dự kiến nhu cầu sẽ tăng lên 60 triệu chiếc vào năm đó. Tăng trưởng ở thị trường Ấn Độ là điều cần thiết để đạt được mục tiêu này.