Hồng Cam mang diện mạo mới
Thôn Hồng Cam (xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên) có 152 hộ thì chỉ còn 7 hộ nghèo do hoàn cảnh gia đình neo đơn, có người khuyết tật. Thôn hiện có 87% số hộ xây nhà kiên cố và có thu nhập bình quân đầu người hơn 30 triệu đồng/năm. Những đổi thay này của Hồng Cam là nhờ Chi bộ thôn đã phát huy vai trò lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế.
Thuộc địa bàn khó khăn nhưng Chi bộ thôn Hồng Cam có tới 17 đảng viên nên công tác lãnh đạo, tuyên truyền, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, chính sách của cấp trên đến người dân trong thôn có nhiều thuận lợi. Để hiện thực hóa nghị quyết về phát triển kinh tế, chi bộ xác định phải thay đổi tư duy đối với người dân, xóa lối canh tác lạc hậu, hướng đến kinh tế hàng hóa. Mỗi khi có chỉ thị, kế hoạch mới của đảng ủy cấp trên ban hành, Chi bộ thôn Hồng Cam đều chủ động giao cho đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình có trách nhiệm tuyên truyền để người dân nắm rõ, từ đó tạo sự thống nhất khi đưa ra lấy ý kiến tập thể. Vào mỗi buổi họp thôn, chi bộ đều phối hợp lồng ghép tuyên truyền chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát động các phong trào thi đua phát triển kinh tế trong thôn.
Trước đây, thu nhập của người dân Hồng Cam chủ yếu dựa vào cấy lúa, trồng sắn nên thấp. Nhằm tăng thu nhập, Chi bộ thôn đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và vật nuôi đặc sản. Để minh chứng cho việc đảng viên tiên phong phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ thôn, ông Phạm Văn Phương đưa chúng tôi tới thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Phạm Văn Minh. Dù từng gặp nhiều rủi ro về bệnh dịch trên đàn vật nuôi nhưng ông Minh vẫn kiên trì phát triển kinh tế. Trên diện tích gần 1 ha, ông đầu tư xây hệ thống chuồng nuôi nhốt với quy mô 300 con lợn thịt. Để giữ vệ sinh môi trường, ông làm công trình bioga, hệ thống quạt thông gió, hút mùi và đường ống dẫn nước rửa chuồng nuôi. Riêng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, gia đình ông Minh thu lãi hơn 50 triệu đồng từ xuất bán lợn.
Ông Minh cho biết, trước đây chỉ trồng cây sắn và nuôi gà với số lượng nhỏ. Phát huy tinh thần đảng viên tiên phong phát triển kinh tế để người dân trong thôn làm theo, gia đình ông vay vốn đầu tư nuôi lợn. “Từ khi mở rộng đàn vật nuôi, tôi có không dưới 3 lần phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng nhưng là đảng viên, nếu thất bại mà chấp nhận đầu hàng thì tuyên truyền còn ai nghe. Sau gần 10 năm chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đến năm 2018, gia đình tôi được công nhận đạt tiêu chuẩn trang trại và 3 năm gần đây, dù ngành chăn nuôi cả nước xuất hiện nhiều dịch bệnh nhưng nhờ phòng dịch tốt nên đàn vật nuôi của gia đình vẫn phát triển ổn định”, ông Minh nói.
Gia đình ông Minh là một trong những gia đình điểm để người dân trong thôn học hỏi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi.
Còn mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng của gia đình đảng viên Nguyễn Văn Thường lại là một minh chứng cho việc đảng viên phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước năm 2010, kinh tế của gia đình ông Thường không mấy khá giả do chỉ gắn bó với cây lúa.
Khu vườn quanh nhà được ông quy hoạch lại, trồng mía tím, bưởi Diễn và 200 gốc chuối ngự. Sau khi có thu nhập từ cây ăn quả, ông đầu tư đào ao thả cá bỗng đặc sản. Hiện gia đình ông có tên trong danh sách những hộ giàu của thôn Hồng Cam.
Theo ông Phạm Văn Phương, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Cam, để người dân gắn bó và làm giàu trên chính đồng đất quê hương, chi bộ tìm ra nhiều biện pháp giúp người dân phát triển kinh tế. Với những hộ có diện tích đất rộng, thuận lợi phát triển trang trại, gia trại, chi bộ định hướng đưa cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào trồng, mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Với những hộ không có điều kiện về đất, chi bộ khuyến khích họ đi học nghề mộc, nghề xây dựng để có việc làm sau mỗi vụ nông nhàn. Nhờ đó, năm 2017, thôn Hồng Cam được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Nhiều năm, thôn không có người đi làm xa, kinh tế hộ phát triển mạnh và có nhiều hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/hong-cam-mang-dien-mao-moi-z1n20200301105043555.htm