Hồng Vân sốc vì người mẹ ép con ăn gạo lứt, đi bia ôm 'chữa' đồng tính
NSND Hồng Vân không giấu nổi bất ngờ khi người mẹ bắt còn làm mọi thứ để 'chữa bệnh đồng tính'.
Người mẹ ép con ăn gạo lứt, uống bia ôm để 'chữa' đồng tính:
Tham gia tập 3 của chương trình Mẹ tuyệt vời nhất, người mẹ Yến Ly – chủ tịch HPH PFLAG (Cha mẹ, người thân và bạn bè của người đồng tính) và con trai Nguyễn Đăng Khoa - giảng viên ĐHSP TP.HCM khiến NSND Hồng Vân ngưỡng mộ trước sự hy sinh của cô khi có con đồng tính và hành trình 5 năm ròng rã thuyết phục gia đình của chàng Thạc sĩ trẻ.
Khoa cho biết cậu nhận ra bản thân là người đồng tính từ năm lớp 7. Lúc đó, hầu như các thông tin về LGBT tại Việt Nam không có nên khoảng thời gian đó rất khó khăn.
Như bao bậc phụ huynh khác, mẹ Yến Ly từng rất sốc khi phát hiện con trai duy nhất, cũng là cháu đích tôn của dòng họ là người đồng tính. Khi Khoa học lớp 11, chị phát hiện con trai có những biểu hiện kỳ lạ, càng sốc hơn khi đọc được cuốn nhật ký của con mình, tiết lộ cậu đang có tình cảm với một cậu bé khác. Sau đó, chị Ly đã hoảng sợ, đau đớn như rơi tự do, đồng thời rất giận con trai mình.
Chị đã đợi Khoa về để hỏi rõ và ép cậu xé cuốn nhật ký và hứa không bao giờ làm như vậy nữa nhưng cậu không nói gì, chỉ lẳng lặng xé cuốn nhật ký và hứa sẽ không lặp lại. Đau lòng trước sự thật về con trai, trong khi đó chồng lại không muốn nghe về chuyện này, chị Ly quyết tâm một mình tìm biện pháp "chữa bệnh" cho con.
Ban đầu, chị nói Khoa tán tỉnh các cô gái và cậu bé cũng cố gắng làm. Điều này khiến chị Ly càng tin rằng con mình "bị bệnh". Do đó, chị đưa con trai đến tất cả các phòng khám tâm lý tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi đi hết các phòng khám, chị nhận được câu trả lời rằng con trai mình 80-90% là người đồng tính. Sau câu nói của nhà tư vấn chị Yến Ly không biết làm gì ngoài việc khóc vì nghĩ rằng đã mất con.
“Nếu nó là đồng tính thì nó sẽ đối diện với cuộc sống như thế nào trong bối cảnh khi đó xã hội còn đang không có ai hiểu về điều này và chỉ có 1 từ để dùng khi đó là Bê đê. Ngay từ khi còn bé từ đó cũng rất kinh khủng, không hề tốt đẹp đối với tôi. Vì thế lập tức tôi nghĩ tương lai con mình kết thúc rồi”, chị tâm sự.
Vẫn không ngừng, chị bắt con trai ăn gạo lứt muối mè nhiều tháng và đề nghị em trai mình thử đưa Khoa đi “bia ôm” - điều khiến chị vẫn còn hối hận khi nghĩ đến - nhưng vẫn không thành công. Chị Ly chỉ bớt gay gắt và tuyệt vọng khi được bà ngoại của Khoa động viên.
Đỉnh điểm của căng thẳng là 2 năm sau đó khi Khoa vào năm nhất Đại học. Cậu cứng đầu, bất cần và 2 mẹ con không còn nói chuyện đến mức chị Ly phải viết 2-3 bức thư cho con nhưng không nhận được câu trả lời. Chỉ khi chị viết "tối hậu thư", nói rằng Khoa có thể ra khỏi nhà và chị chấp nhận không có con, thì cậu mới gửi lại chị lá thư dài 4 trang giấy mà bản thân đã ấp ủ viết gần 1 năm trời.
Trong lá thư đó, Khoa viết rất nhiều câu xin lỗi mẹ. Cậu nói: “Con biết con đã làm cho mẹ khổ, hàng đêm mẹ đã phải khóc vì con. Nhưng hàng đêm, con đã đối diện với bản thân con cũng khóc, con căm ghét bản thân. Tại sao con sinh ra lại là người như thế này? Mẹ biết không, nhiều khi con ao ước chết ngay từ khi lọt lòng. Và con biết một điều, nếu mẹ sinh con ra là một kẻ khuyết tật, con có thể câm, điếc hoặc bại não thì chắc chắn mẹ vẫn sẽ yêu thương, che chở và bao bọc cho con. Khi con sinh ra là một thằng gay thì con là một thứ tội đồ là đứa con bất hiếu. Con xin mẹ tha thứ cho con, con không làm được điều gì khác bởi tạo hóa sinh con ra như vậy”.
Lá thư này khiến chị Yến Ly phải suy nghĩ rất nhiều. Chị dần hiểu rằng, Khoa không hề muốn cãi lời mẹ. Cậu cũng không hề vui sướng khi sinh ra đã là đồng tính. Tự bản thân cậu cũng đã quá đau khổ, dằn vặt và cảm thấy có lỗi với bố mẹ. Sau đó, chị đã cởi mở hơn về vấn đề của con trai mình.
Chị Ly đã quyết định đi cùng con trai trên hành trình thuyết phục và chứng minh bản thân, trước hết là với cha của Khoa. Biết con là người đồng tính trước vợ nhưng phải 5 năm sau cha của Khoa mới chấp nhận sự thật này. Đó là ngày vở kịch hình thế đề tài đồng tính “Được là chính mình” lần đầu trình diễn tại TP.HCM, khi vở kịch kết thúc, cha của Khoa cùng những người khác nắm tay và đứng lên ủng hộ cộng đồng LGBT.
Khoảnh khắc này khiến cả 2 mẹ con Khoa không thể quên được, chàng Thạc sĩ trẻ vô cùng hạnh phúc vì cuối cùng cũng được làm chính mình.