'Hoóng Thuổn slí slì'- Bốn mùa nhung nhớ
Với tất cả niềm chân thành, nhớ nhung và tình yêu ngôn ngữ dân tộc, tác giả Nông Ngọc Mạnh đã gửi đến bạn đọc tập thơ song ngữ Tày- Việt đầu tay 'Hoóng Thuổn slí slì'- Bốn mùa nhung nhớ.
"Cần điếp pửa cón
Slương sliết vậy sle
Phjác piếng phjả vén
Cần hâư chăc dè"
(Điếp chứ nhoòng lăng)
dịch:
“Một người đã cũ
Một tình đã phai
Gom thành mây trắng
Sẻ chia dông dài”
(Thương nhớ vì đâu)
Đó là những câu thơ đầu tiên tôi bắt gặp khi cầm tập thơ của tác giả Nông Ngọc Mạnh. Những vần thơ mềm mại, nhẹ nhàng, có phần trong trẻo, giản đơn như chính người viết. Tôi biết đến tác giả khi đọc thơ anh trên Tạp chí Văn nghệ Ba Bể, cũng là một bài thơ song ngữ Tày - Việt, ngôn ngữ đơn giản mà lại có sức hút lạ thường.
Nông Ngọc Mạnh đến từ bản làng người dân tộc Tày, huyện Ngân Sơn. Sinh năm 1983, là anh nông dân chân phương viết thơ bằng tất cả tình yêu và vốn sống đời thường. Bén duyên với thơ không lâu, tác giả Nông Ngọc Mạnh đã lưu lại dấu ấn riêng ở thể loại thơ song ngữ Tày - Việt. Sau một thời gian ấp ủ, anh đã ra mắt tập thơ song ngữ Tày - Việt đầu tiên “Hoóng Thuổn slí slì”- Bốn mùa nhung nhớ. Tập thơ do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2023.
Tập thơ gồm 36 bài thơ, mỗi tác phẩm đều mở ra những cung bậc cảm xúc khác nhau, vừa thú vị lại vừa mênh mang. Các bài thơ được viết bằng cả tiếng Tày và tiếng Việt, người đọc sẽ có thời gian suy ngẫm, chiêm nghiệm về sự phong phú của ngôn ngữ và trong từng câu chữ mà tác giả lựa chọn sử dụng. Cũng như tên của tập thơ “Bốn mùa nhung nhớ”, các bài thơ về tình yêu đôi lứa của tác giả Nông Ngọc Mạnh có chút tiếc nuối, có chút buồn vì “lỡ duyên”. Tuy vậy thơ của anh lại không mang màu sắc bi lụy, hờn ghen mà chân thành, nhẹ nhàng vô cùng:
"Nâư chứ slao rà lặc pấu sáo
Cừn chứ slao rà táng vén sli
Hoóng thuổn slí slì
Piến đang mạ dặng."
(Hoóng Thuổn slí slì)
dịch:
“Vắng em giọng sáo anh trầm đục
Vắng em anh lượn chả xuôi tai
Bốn mùa xa ngái
Hóa ngựa chờ em”
(Bốn mùa nhung nhớ)
"Cừn nẩy rà choong pậu noọng
Nâư pjửc
noọng mừa lườn fua
Tả téo lặm lăng bại cằn khước khua lầu păn căn pửa cón
Bươn slíp náo phjúng slì dên
Phà lườn fua noọng chứ dà hâử ún
Phủc lườn fua noọng chứ pjoóng nhù na
Cừn nẩy
Bảc, pả, áo, a... păn thuổn cằm dung mạc noọng nò
Om lẩu van Tài Ngào lìn têm chẻn sỉnh pằng dạu đây đo"
(Cừn nẩy rà choong pậu noọng)
dịch:
“Đêm nay ta thức cùng em
Sớm mai
em về nhà chồng
Bỏ lại sau lưng tiếng cười vui bên nhau ngày cũ
Tháng mười lạnh giá
Chăn nhà chồng em nhớ che cho kỹ
Chiếu nhà chồng rơm em lót cho dầy
Đêm nay
em căng túi nải đựng ngàn câu chúc tụng
Chum rượu Tài Ngào rót mời bạn hữu đầy ly…”
(Đêm nay ta thức cùng em)
Với những tác phẩm mang đậm dấu ấn bản địa, tác giả Nông Ngọc Mạnh đã khéo léo chọn lựa, dùng ngôn ngữ ngắn gọn, nhiều ý để đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời thường, ca dao, tục ngữ từ xa xưa thành lời thơ mềm mại, ngân nga:
"Slắm ké lẩn toẹn nghé Coỏng Tát
Pửa pày lùng Võ Nguyên Giáp mà thâng
Tặt slinh oóc Chi bộ Chí Kiên
Pền Chi bộ cốc đin Bắc Kạn
Tứ tỉ pỉ noọng thư slim mừa nèm Đảng
Lục báo khửn tàng cháu nước"
(Xiêng liềng nghé Coỏng Tát)
“Người già kể chuyện Thác Coỏng Tát
Chốn ngày xưa Võ Nguyên Giáp dừng chân
Khai sinh ra Chi bộ Chí Kiên
Chi bộ Đảng đầu tiên Bắc Kạn
Kể từ đó một lòng theo Đảng
Thanh niên lớp lớp lên đường nhập ngũ”
(Thiêng liêng Coỏng Tát)
Từ vốn sống phong phú, những hoạt động giản đơn, đời thường qua thơ tác giả Nông Ngọc Mạnh cũng trở nên thu hút lạ thường:
"Ỏi co đây dom cảo
Nẩu thương lẩp chiêng khai
Cay tố pậu dự lai
Đo xèn hua bố lụ"
(Slì ỏi van hang)
“Mía đẹp còn ép mật
Nấu đường phên làm quà
Chợ tết đông người mua
Ta dành tiền cưới vợ”
(Mùa mía ngọt ngọn)
Hay:
"Cái phừn pay
Cái phừn pỉn
Chắc đa bấu sliểu bỏ
Chắc phjúc pền béc piên
Pây thắp tẳm đông luông
Pây mó chang đông ké"
(Thắp phùn)
“Cây củi cong
Cây củi vẹo
Khéo tay xếp được bó củi đẹp
Khéo tay buộc nên bó củi xinh
Củi khô kiếm tận rừng dưới thung
Củi giòn tìm trên rừng núi đá”
(Kiếm củi)
Có thể nói, tác giả Nông Ngọc Mạnh đã mang đến cho độc giả yêu thơ món ăn tinh thần đậm chất vùng cao. Tập thơ với ngôn ngữ gần gũi, thân thuộc, hình ảnh dung dị, giản đơn nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt hơn, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ dân tộc Tày làm thơ, đây thật sự là điều rất đáng quý và cần được phát huy trong giai đoạn hiện nay. Mời độc giả tìm đọc và bước vào “Bốn mùa nhung nhớ” nơi bản làng người dân tộc Tày vùng cao…/.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/hoong-thuon-sli-sli-bon-mua-nhung-nho-post52647.html