Họp Ban soạn thảo, Tổ giúp việc Đề án Luật sư công

Chiều 15/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh – Trưởng Ban soạn thảo Đề án nghiên cứu xây dựng chế định Luật sư công trong Nhà nước pháp quyền XHCN (Đề án) và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi – Phó Trưởng Ban soạn thảo Đề án chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ giúp việc Đề án.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cùng Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cùng Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì cuộc họp.

Dự cuộc họp có ông Lê Khánh Toàn – Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban soạn thảo. Cùng dự họp có các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ giúp việc soạn thảo Đề án.

Xây dựng chế định luật sư công là cần thiết

Mở đầu cuộc họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc Ban soạn thảo Đề án. Tiếp đó, các đại biểu đã nghe ông Lê Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, thành viên Ban soạn thảo Đề án báo cáo về định hướng xây dựng chế định luật sư công.

Ông Lê Xuân Hồng báo cáo tại cuộc họp.

Ông Lê Xuân Hồng báo cáo tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Tờ trình và Báo cáo Đề án nghiên cứu xây dựng chế định Luật sư công trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay. Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng chế định luật sư công trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, tại Việt Nam hiện chưa có quy định về chế định luật sư công.

Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích công, bên cạnh đội ngũ luật sư thuộc khu vực tư nhân còn có đội ngũ pháp chế hoặc trợ giúp viên pháp lý là cán bộ, công chức và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện công việc nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công. Thực tế hoạt động của một số bộ, ngành, địa phương cho thấy nhu cầu có một đội ngũ luật sư có năng lực, điều kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Chính phủ, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua và thời gian tới là cần thiết.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức và hoạt động, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phát sinh nhiều rủi ro dẫn đến các khiếu nại, khiếu kiện của cá nhân, tổ chức hoặc tranh chấp pháp lý quốc tế nhưng chưa có đội ngũ luật sư chuyên nghiệp đại diện, bảo vệ…

Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Theo quy định của Luật Luật sư hiện nay, tại Việt Nam chỉ có một chế định về luật sư là luật sư thuộc khu vực tư nhân, làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân. Các đại biểu chỉ rõ, chế định luật sư bảo vệ lợi ích công (luật sư công) là một khái niệm mới nên việc nghiên cứu quy định của các nước và thực trạng tại Việt Nam với chế định này là rất cần thiết, từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về luật sư, xây dựng đội ngũ luật sư bảo vệ lợi ích công phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Ông Lê Văn Minh – Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ban soạn thảo – chỉ rõ, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã nêu rõ nhiệm vụ nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư.

Ông Lê Văn Minh phát biểu tại cuộc họp.

Ông Lê Văn Minh phát biểu tại cuộc họp.

Theo ông Minh, trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, việc nghiên cứu xây dựng chế định luật sư công là rất cần thiết và phù hợp. Các đại biểu cũng cho ý kiến về các công việc luật sư công đảm nhận, tiêu chuẩn luật sư công, mô hình tổ chức và hoạt động của luật sư công…

Hoàn chỉnh chế định luật sư công để giải quyết triệt để hơn vụ việc phát sinh

Kết luận nội dung cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh cao cơ quan thường trực Ban soạn thảo, Tổ giúp việc đã xây dựng dự thảo Đề án và các tài liệu kèm theo tương đối đầy đủ, cung cấp các thông tin khá toàn diện để có cơ sở trao đổi, tiếp tục hoàn thiện Đề án.

Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Tổng hợp ý kiến các đại biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, qua thảo luận cho thấy sự cần thiết xây dựng chế định luật sư công trong bối cảnh hiện nay. “Cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn đều đã có. Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư. Chúng ta cũng đã được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao nhiệm vụ xây dựng Đề án”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại cuộc họp.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu phân tích kỹ về cơ sở thực tiễn để thấy rõ nhu cầu, sự cần thiết xây dựng chế định luật sư công trong bối cảnh mới, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Trong quá trình phát triển đất nước, nhu cầu cung cấp các dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật liên quan đến đầu tư thương mại là rất cần thiết”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, các lợi ích của các cơ quan công quyền, của Nhà nước trong mối quan hệ với các bên quốc tế thời gian qua chưa được quan tâm đầy đủ, có nguy cơ dẫn đến thua thiệt, sơ hở khi vướng vào tranh chấp. Bên cạnh đó, thời gian qua, các vụ án hành chính gia tăng, đặt ra nhu cầu có một người thuộc cơ quan nhà nước hoặc bảo vệ lợi ích của nhà nước. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết các vụ việc tồn đọng rất lớn.

“Khi chúng ta đổi mới tư duy về quản lý đất nước trong bối cảnh mới, quản trị quốc gia hiện đại, phòng chống không chỉ tiêu cực mà còn cả vấn đề lãng phí, tháo gỡ vướng mắc cho trong các vụ việc cũng đặt ra sự cần thiết phải có những người am hiểu chuyên sâu về mặt pháp lý để có thể giải quyết. Như vậy, chúng ta có nhu cầu nhưng chưa có chế định hoàn chỉnh để có thể giải quyết một cách hiệu quả, triệt để hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ. Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, có những công việc mang tính chất luật sư công như trợ giúp pháp lý nhưng chưa được định danh.

Bộ trưởng đề nghị cần phân tích kỹ lưỡng số liệu, tổng hợp nhu cầu để thấy được sự cần thiết xây dựng Đề án cũng như hình thành chế định luật sư công trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, cần xác định rõ các nhiệm vụ của luật sư công. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy mỗi nước luật sư công có nhiệm vụ khác nhau nhưng tựu trung lại có một số nhiệm vụ mang tính phổ quát nhất.

Thứ nhất là đại diện của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, địa phương với tư cách là một bên tham gia giải quyết các vụ kiện, tranh chấp. Thứ 2 là tham gia tư vấn pháp luật hoặc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan công quyền trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là liên quan đến đầu tư, thương mại, mua sắm chính phủ, ODA…, trong đó lưu ý, phải làm rõ sự khác biệt nhiệm vụ của luật sư công so với công việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị trong việc tham mưu với Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thứ ba là tham gia việc tư vấn giải quyết tranh chấp quốc tế và hướng tới có thể tranh tụng quốc tế để bảo vệ lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư là nhóm thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, cũng cần tính toán xem đó có phải là luật sư công không.

Thứ năm khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc các trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện.

Đi cùng với nhiệm vụ thì cũng cần xác định rõ quyền hạn của luật sư công để có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Mô hình luật sư công cũng cần xác định rõ chỉ là luật sư làm trong nhà nước hay là mô hình kết hợp vừa có luật sư làm trong nhà nước vừa kết hợp với luật sư tư.

Cần xác định tiêu chuẩn luật sư công cũng tương đương như luật sư tư, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách tạo sự khác biệt đối với luật sư công hay là cơ chế chính sách để sử dụng luật sư tư trong bảo vệ lợi ích công.

Trên cơ sở ý kiến các thành viên trong Ban soạn thảo, Bộ trưởng đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án.

Tường Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hop-ban-soan-thao-to-giup-viec-de-an-luat-su-cong-post548569.html