Hợp đồng quá cảnh Nga-Ukraine 'bên bờ vực', châu Âu vẫn cần khí đốt Moscow vì điều gì?

Hai năm rưỡi kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu và nhiều đợt trừng phạt, khí đốt tự nhiên của Nga vẫn tiếp tục chảy qua mạng lưới đường ống của Kiev tới khách hàng ở châu Âu.

Khí đốt Nga vẫn không ngừng chảy sang châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Khí đốt Nga vẫn không ngừng chảy sang châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Dưới đây là những điều quan trọng cần biết về quá trình vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.

Khí đốt tự nhiên chảy từ các mỏ khí Tây Siberia qua các đường ống đi qua Sudzha và qua biên giới Ukraine để đến vào hệ thống của Kiev. Đường ống đi vào Liên minh châu Âu (EU) tại biên giới Ukraine-Slovakia, sau đó phân nhánh và vận chuyển khí đốt tới các cơ sở ở Áo, Slovakia, Hungary.

Khí tự nhiên được sử dụng để tạo ra điện, cung cấp năng lượng cho các quy trình công nghiệp và sưởi ấm tại các hộ gia đình.

Sau chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022, khí đốt chưa từng ngừng chảy. Điều này gây ngạc nhiên vì Ukraine có thể cắt đứt dòng chảy qua hệ thống đường ống của đất nước bất cứ lúc nào.

Theo nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine, ngày 13/8, 42,4 triệu m3 khí đốt dự kiến đi qua trạm Sudzha. Con số này gần bằng mức trung bình trong 30 ngày qua.

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt, tháng 12/2019, Nga và Ukraine đã đồng ý về một thỏa thuận kéo dài 5 năm về việc vận chuyển khí đốt của Moscow qua Kiev: 45 tỷ m3 vào năm 2020 và 40 tỷ m3/năm vào thời điểm từ năm 2021-2024.

Gazprom kiếm tiền từ khí đốt và đất nước của Tổng thống Volodymyr Zelensky thu phí quá cảnh. Thỏa thuận đó kéo dài đến cuối năm nay.

Bộ trưởng năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết, phía Kiev không có ý định kéo dài thỏa thuận hay ký thỏa thuận thay thế vào lúc này.

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu thông qua đường ống. Khí đốt chảy qua 4 hệ thống đường ống như: dưới Biển Baltic; qua Belarus, Ba Lan; qua Ukraine và dòng chảy Turk dưới Biển Đen qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria.

Sau thời điểm tháng 2/2022, Moscow cắt hầu hết nguồn cung cấp qua đường ống Baltic và Belarus-Ba Lan, với lý do tranh chấp về nhu cầu thanh toán bằng đồng Ruble. Trong khi đó, đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) đã bị phá hoại hồi tháng 9/2022, đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng ai là thủ phạm.

Việc Điện Kremlin gián đoạn dòng chảy khí đốt gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Đức - nền kinh tế hàng đầu khu vực - bỏ ra hàng tỷ Euro thiết lập các bến nổi để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Người tiêu dùng cũng phải "thắt lưng buộc bụng" khi giá điện tăng cao.

Trong bối cảnh này, Na Uy và Mỹ "lấp đầy khoảng trống", trở thành hai nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Khu vực này có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027.

Tuy nhiên, khí đốt Nga chưa bao giờ bị cấm. Đó là bằng chứng cho thấy, châu Âu đang phụ thuộc như thế nào vào năng lượng của Điện Kremlin, dù mức độ thấp hơn so với trước đây.

Khoảng 3% lượng khí đốt của Nga tới châu Âu chảy qua Sudzha, Ukraine.

Nếu năm nay, Kiev không gia hạn thỏa thuận với Moscow, châu Âu sẽ phải chịu "cơn đau đầu" về nguồn cung năng lượng. Dòng chảy Sudzha chủ yếu dẫn tới Áo, Slovakia, Hungary và thời gian tới, những nước này sẽ phải đàm phán, tìm kiếm nguồn cung mới.

Trong khi đó, kế hoạch chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 của EU, có tiến độ không đồng đều.

Áo đã tăng nhập khẩu khí đốt của Nga từ 80% lên 98% trong hai năm qua. Và Italy, mặc dù đã cắt giảm nhập khẩu trực tiếp khí đốt nhưng nước này vẫn nhận được hàng có nguồn gốc từ Nga qua Áo.

Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực vẫn mua LNG của Nga - chiếm khoảng 6% lượng nhập khẩu mặt hàng này vào năm ngoái. Dữ liệu thương mại cho thấy, các chuyến hàng LNG đến Pháp đã tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, các thành viên EU là Romania và Hungary đang thực hiện các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Armida van Rijd, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoàng gia về các vấn đề quốc tế tại London (Anh) nói rằng: “Khí đốt của Nga chảy qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tái xuất khẩu tới châu Âu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khu vực".

Bà nhận thấy, những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm sử dụng khí đốt của Nga cho đến nay vẫn rất “ấn tượng”. "Tuy nhiên, thực tế là các nước châu Âu cực kỳ khó đa dạng hóa hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng", nhà nghiên cứu cấp cao Armida van Rijd bày tỏ.

(theo ABC News)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-dong-qua-canh-nga-ukraine-ben-bo-vuc-chau-au-van-can-khi-dot-moscow-vi-dieu-gi-282768.html