Hợp đồng thuê đất Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4: PV Power bị đẩy vào thế khó!
Hợp đồng thuê đất Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 nếu tiếp tục chậm trễ nguy cơ đổ vỡ dự án là rất lớn và khiến PV Power có thể sẽ phải bồi thường.
Trong các vướng mắc hiện tại của Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4, vấn đề thủ tục và hợp đồng cho thuê đất được xem là mấu chốt, nếu tiếp tục chậm trễ nguy cơ đổ vỡ dự án là rất lớn...
Lý do là việc hoàn thiện thủ tục thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là điều kiện tiên quyết để ngân hàng giải ngân cấp vốn cho dự án. Ngoài ra, việc chậm trễ này còn khiến Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) có thể sẽ phải bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng vì cam kết mà không thực hiện được. Và nếu tiếp tục chậm trễ các thủ tục thuê đất, nguy cơ đổ vỡ dự án là vô cùng lớn.
Tuy nhiên hiện nay, phía tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty Tín Nghĩa đã đưa PV Power và Dự án vào thế rất khó!
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 có tổng diện tích gần 43 ha. Trong đó, PV Power đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường hợp đồng thuê đất (đợt 1) với diện tích 11,64 ha và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với phần diện tích còn lại khoảng 30,7 ha (đợt 2), PV Power đã có văn bản số 1828/DAĐ-XD ngày 08/12/2023 gửi hồ sơ xin thuê đất cho UBND tỉnh Đồng Nai và Sở Tài nguyên và Môi trường để được trực tiếp thuê đất với tỉnh như đợt 1.
Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo rõ ràng tại thông báo số 117/TB-TTg ngày 25/3/2024 rằng: "UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến bàn giao cho thuê đất (của Tỉnh cho Dự án) và hạ tầng trong tháng 4/2024...”.
Tuy nhiên ngày 5/4/2024, UBND tỉnh Đồng Nai có thông báo số 182/TB-UBND kết luận của UBND tỉnh về công tác cho thuê đất dự án NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4, theo đó thống nhất chủ trương cho Tổng công ty Tín Nghĩa thuê đất trực tiếp với tỉnh và sau đó Tổng công ty Tín Nghĩa cho PV Power thuê lại đất.
PV Power phân tích, từ chủ trương này của Đồng Nai sẽ dẫn đến 2 rủi ro rất lớn. Một là, không xác định được thời điểm Tổng công ty Tín Nghĩa cho PV Power thuê lại đất. Bằng chứng là trong các cuộc họp, PV Power đã đề nghị ngay sau khi Tổng công ty Tín Nghĩa được tỉnh cho thuê đất, thì Tín Nghĩa ký hợp đồng cho PV Power thuê lại đất, nhưng Tổng công ty Tín Nghĩa không xác nhận được. Hai là, không biết khi nào Tổng công ty Tín Nghĩa mới hoàn thiện được thủ tục để PV Power nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. PV Power cho rằng, Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ dùng việc này để ép tăng giá thuê, phí sử dụng hạ tầng.
Trình bày tại buổi làm việc ngày 9/5 vừa qua, ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, việc "1 dự án 2 chế độ, 1 dự án 2 hợp đồng thuê đất" là rất bất hợp lý. Trong khi đó, cấu trúc giá thành của điện phát lên lưới sau này sẽ có tính phần phí thuê đất. Với giá đất thuê, phí hạ tầng cao như vậy thì giá điện sử dụng bị đẩy lên cao, người dân không chấp nhận được.
Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, quan điểm của Tập đoàn là nên thống nhất một hình thức là chủ đầu tư thuê trực tiếp từ UBND tỉnh Đồng Nai. Bởi các điều kiện cấu thành cho thuê lại của Tổng công ty Tín Nghĩa đến bây giờ chưa hoàn thành, có phần chưa giải phóng mặt bằng, hạ tầng chưa đầu tư theo quy định của pháp luật, PV Power chưa biết phải chờ đến bao giờ.
“Chúng tôi hoàn toàn thống nhất là sẽ thanh toán những chi phí hợp lý, hợp lệ, đúng, đủ nhưng không thể nào vô lý như thế được”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam khẳng định.
Kết luận buổi làm việc về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất phương án giải quyết vấn đề thuê mặt bằng dự án và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho PV Power trước ngày 31/5.
Petrovietnam/PV Power mong muốn các vấn đề tồn tại, vướng mắc tại Dự án sẽ được các Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xem xét chỉ đạo giải quyết triệt để để dự án Nhà máy điện LNG đầu tiên của đất nước được tiếp tục triển khai, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời lấy lại kỷ cương, phép nước và không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư sau này.