Hợp đồng tương lai Dow Jones 'bốc hơi' hơn 1.000 điểm, chứng khoán châu Á vừa mở cửa đã bán tháo la liệt

'Mức thuế quan mới tệ hơn những gì mà nhà đầu tư đã lo sợ, và chưa được phản ánh hết vào thị trường' - một chiến lược gia nói…

Các nhà giao dịch chứng khoán trên sàn NYSE ở New York sau phiên chính thức ngày 2/4 và trước khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan đối ứng - Ảnh: Getty/CNBC.

Các nhà giao dịch chứng khoán trên sàn NYSE ở New York sau phiên chính thức ngày 2/4 và trước khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan đối ứng - Ảnh: Getty/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày thứ Tư (2/4) sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại áp lên hơn 180 đối tác thương mại. Các thị trường châu Á vừa mở cửa phiên ngày thứ Năm (3/4) đã giảm chóng mặt.

Giá dầu thô cũng sụt mạnh do nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang sẽ đặt ra trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thuế quan có đi có lại, hay còn gọi là thuế đối ứng, được ông Trump công bố sau khi thị trường tài chính Mỹ đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức của ngày thứ Tư. Sau khi kế hoạch được công bố, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc chóng mặt.

Có thời điểm, chỉ số Dow Jones tương lai sụt 1.069 điểm, tương đương giảm 2,5%. S&P 500 tương lai mất 3,6% và Nasdaq tương lai sụt 4,5% - theo dữ liệu từ hãng tin CNBC.

Cổ phiếu của các công ty đa quốc gia giảm la liệt, như Nike và Apple giảm khoảng 7%. Tuy nhiên, mức giảm lớn nhất rơi vào các công ty kinh doanh hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ như Five Below giảm 14%, Dollar Trê giảm 11%, Gap giảm 8,5%... Cổ phiếu công nghệ cũng không nằm ngoài xu thế bán tháo khi tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao: Nvidia giảm 5% và Tesla giảm 7%.

Vừa bước sang ngày mới tại châu Á, các chỉ số chứng khoán của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng nhau lao dốc. Lúc hơn 7h sáng theo giờ Việt Nam, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 4%, Kospi của Hàn Quốc mất hơn 2%, trong khi ASX 200 của Australia sụt gần 2%...

Trong kế hoạch vừa được công bố, ông Trump áp thuế suất từ 10% lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có hàng chục quốc gia bị áp mức thuế cao hơn. Theo hãng ti Reuters, một quan chức Nhà Trắng đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết thuế quan đối ứng với thuế suất cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 và sẽ áp dụng với khoảng 60 quốc gia. Mức thuế cơ sở 10% sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Bảy (5/4).

Theo CNBC, điều khiến nhà đầu tư hoảng sợ là thuế suất được đưa ra đối với nhiều nền kinh tế là cao hơn nhiều so với dự báo trước đó. Chẳng hạn, thuế suất thuế đối ứng với Trung Quốc là 34%, đồng nghĩa hàng Trung Quốc bị áp thuế quan 54% nếu tính cả thuế quan bổ sung 20% mà ông Trump đã áp trước đó và chưa tính đến thuế quan từ nhiệm kỳ trước của ông. Trước đó, các nhà giao dịch đã kỳ vọng thuế suất của thuế đối ứng chỉ dao động trong khoảng 10-20%.

“Mức thuế quan mới tệ hơn những gì mà nhà đầu tư đã lo sợ, và chưa được phản ánh hết vào thị trường”, chiến lược gia Art Hogan của công ty B. Riley Wealth Management nhận định với CNBC.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên giao dịch chính thức ngày thứ Tư, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp, nhờ kỳ vọng rằng ông Trump sẽ không đưa ra một kế hoạch thuế quan nghiêm trọng. Cơ sở của kỳ vọng này là thị trường vẫn tin ông Trump khong muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái và khiến lạm phát tăng cao.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,67%, đạt 5.670,97 điểm. Nasdaq tăng 0,87%, đạt 17.601,05 điểm. Dow Jones tăng 235,36 điểm, tương đương tăng 0,56%, chốt ở 42.225,32 điểm.

Trong quý 1, chứng khoán Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió, với S&P 500 có lúc rơi vào trạng thái điều chỉnh, vì nỗi bất an xung quanh các kế hoạch thuế quan của ông Trump. Với cú giảm mạnh trong phiên ngoài giờ, S&P 500 có thể sẽ rơi trở lại vào thị trường điều chỉnh trong phiên chính thức ngày thứ Năm.

“Nếu ông Trump chỉ áp thuế quan 10% lên tất cả các quốc gia, thị trường bây giờ có lẽ đang tăng điểm. Nhưng thuế quan cao hơn nhiều so với dự kiến, thị trường đang phải đối mặt với áp lực giảm và mức độ biến động lớn hơn trước”, chiến lược gia trưởng Lary Tentarelli của trang Blue Chip Trend Report nói với CNBC.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô đồng loạt giảm sâu trong phiên ngoài giờ.

Lúc hơn 7h sáng theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,38 USD/thùng, tương đương giảm 3,2%, còn 72,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,38 USD/thùng, tương đương giảm 3,3%, còn 69,33 USD/thùng, theo dữ liệu từ CNBC.

Trước đó, giá cả hai loại dầu tăng trong phiên chính thức. Giá dầu Brent tăng 0,6%, chốt ở 74,95 USD/thùng và giá dầu WTI tăng 0,7%, chốt ở 71,71 USD/thùng.

Giới chuyên gia cho rằng thuế quan của ông Trump có thể khiến cuộc chiến thương mại toàn cầu bước vào một giai đoạn mới căng thẳng hơn, theo đó đẩy lạm phát tăng cao và gây suy giảm tăng trưởng kinh tế, dẫn tới hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu.

“Giá dầu thô đang đuối sức sau đợt phục hồi vào tháng trước. Giá dầu Brent đang đối mặt với kháng cự ở mốc 75 USD/thùng. Mối quan tâm của nhà đầu tư bây giờ đã dịch chuyển từ khả năng tăng giá của dầu do các biện pháp trừng phạt sang rủi ro suy giảm nhu cầu vì thuế quan”, chiến lược gia Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nói với hãng tin Reuters.

Thời gian gần đây, giá dầu đã phục hồi sau khi chạm đáy 5 tháng. Động lực cho sự phục hồi đó là việc ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% lên những nước mua dầu của Venezuela, đồng thời dọa áp lệnh trừng phạt thứ cấp đối với dầu Nga nếu Moscow không đi đến một thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine, và dọa đánh bom Iran nếu nước này không chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hop-dong-tuong-lai-dow-jones-boc-hoi-hon-1-000-diem-chung-khoan-chau-a-vua-mo-cua-da-ban-thao-la-liet.htm