Hợp long cây cầu hơn 680 tỷ nối Ninh Bình - Nam Định
Lễ hợp long cầu vượt sông Đáy, một trong những hạng mục trọng điểm thuộc tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đánh dấu bước tiến mới trong hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo đà phát triển liên kết vùng nhằm phát triển kinh tế...

Cầu vượt sông Đáy có tổng chiều dài 1,2km. Ảnh: Nguyễn Trường
UBND thành phố Ninh Bình vừa tổ chức lễ hợp long cầu vượt sông Đáy – công trình giao thông cấp I nằm trong Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh.
Cầu có vai trò kết nối huyện Kim Sơn (Ninh Bình) với huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), là điểm nhấn quan trọng trong việc thiết lập trục giao thông chiến lược vùng duyên hải Bắc Bộ.
Dự án có chiều dài 1,2 km, kết nối với hai tuyến đường dẫn đầu cầu có tổng chiều dài 3,25 km. Công trình được thiết kế với vận tốc tối đa 80 km/h. Tổng mức đầu tư trên 682 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương.
Cầu được thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng, sử dụng dầm liên tục đặt trên nền móng cọc khoan nhồi, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cao và độ bền vững dài hạn trong điều kiện địa chất đặc thù vùng hạ lưu sông Đáy. Đây là công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Theo ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý, đến thời điểm hiện tại, khối lượng thi công đã đạt khoảng 85%, tương đương gần 497 tỷ đồng giá trị thực hiện.
Phần cầu đã hoàn thành toàn bộ 22/22 nhịp, đang triển khai giai đoạn hoàn thiện mặt cầu, lan can và các hạng mục phụ trợ. Phần đường dẫn đã thi công xong nền đường, hệ thống cống thoát nước và đang tiếp tục hoàn thiện.
Cầu vượt sông Đáy là hạng mục quan trọng trên toàn tuyến đường ven biển dài gần 20 km đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình, với tổng vốn đầu tư toàn tuyến trên 2.200 tỷ đồng.
Tuyến đường này nằm trong quy hoạch hệ thống giao thông ven biển quốc gia, có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối giao thương, đảm bảo quốc phòng – an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Không chỉ kết nối Ninh Bình với Nam Định, tuyến đường còn tạo ra hành lang phát triển liên kết vùng giữa Ninh Bình – Nam Định – Thanh Hóa, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ và công nghiệp ven biển.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu kinh tế ven biển và cảng biển lớn của miền Bắc, đồng thời tạo thuận lợi trong cứu hộ cứu nạn và vận chuyển hàng hóa.
Dự án được khởi công từ năm 2023 và dự kiến hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vào năm 2025. Để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý dự án đã lên kế hoạch chi tiết cho phần khối lượng còn lại, tăng cường nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tăng ca, rút ngắn thời gian từng công đoạn.
Việc hợp long cầu vượt sông Đáy không chỉ là một dấu mốc về mặt tiến độ kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc hiện thực hóa quy hoạch giao thông ven biển đã được Chính phủ phê duyệt. Với đà phát triển hiện tại, thành phố Ninh Bình đang từng bước hình thành một vùng động lực mới gắn với trục phát triển kinh tế biển Bắc Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Với mục tiêu “hạ tầng giao thông đi trước mở đường”, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn.
Theo ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, một trong những điểm nhấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là quyết định đầu tư tuyến đường Đông – Tây, tạo kết nối chiến lược giữa hai vùng địa lý trong tỉnh.
Tuyến đường Đông – Tây giai đoạn I có chiều dài 22,95 km, tổng mức đầu tư 1.914 tỷ đồng. Đây là “dự án 4 trong 1” – vừa thúc đẩy phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp, vừa phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ.
Dự án mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mới cho kinh tế Ninh Bình và liên kết với các trục giao thông quốc gia, từ đó kết nối vùng Tây Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác cũng đã được hoàn thành như: tuyến đường vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn I); tuyến đường Lưu Cơ kéo dài; tuyến Bái Đính – Ba Sao (đoạn qua địa phận Ninh Bình)…
Những công trình này không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, mà còn góp phần định hình hệ thống giao thông hiện đại, tăng tính kết nối và hấp dẫn đầu tư vào khu vực.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hop-long-cay-cau-hon-680-ty-noi-ninh-binh-nam-dinh.htm