Họp mặt hơn 800 cựu tù chính trị và tù binh: 'Còn có thể nhìn thấy nhau khỏe mạnh là hạnh phúc rồi!'
Ngày 17/2, hơn 800 cựu tù chính trị và tù binh tại TPHCM đã có buổi họp mặt đầu xuân tại trường Đại học Tôn Đức Thắng (quận 7, TPHCM). Buổi họp mặt là dịp để những người đồng đội năm xưa gắn kết tình cảm, chia sẻ những câu chuyện tuổi già, đồng thời là cơ hội để thế hệ trẻ tri ân và tiếp lửa truyền thống yêu nước.

Các đại biểu tham dự chương trình
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu: ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, cựu tù binh Phú Quốc; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cựu tù chính trị Côn Đảo; ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, cựu tù chính trị…

Ông Trương Tấn Sang (bìa trái), nguyên Chủ tịch nước, cựu tù binh Phú Quốc và bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cựu tù chính trị, thăm hỏi đồng đội trong ngày họp mặt.
Về phía TPHCM có ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Đặc biệt, chương trình còn có sự tham dự của hơn 800 đại biểu là cựu tù chính trị và cựu tù binh TPHCM.
Tại buổi gặp mặt, các cựu tù đã cùng ôn lại kỷ niệm những ngày đấu tranh, bị giam cầm đầy gian khổ.

Tại buổi họp mặt, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù bình TPHCM đã trao bảng tri ân, tặng quà lưu niệm đến 86 đại biểu là cựu tù chính trị, tù binh có quá trình cống hiến, tham gia Ban liên lạc các cấp (từ thành phố đến cấp quận) trên 25 năm, 20 năm, 15 năm và 10 năm.
Bà Bùi Thị Son, thường được gọi là cô Ba Son, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, từng là nữ tù Côn Đảo, đã không giấu được sự xúc động trong buổi họp mặt. Cô Ba Son chia sẻ rằng, năm nay đã 81 tuổi, sức khỏe suy giảm nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi có dịp gặp lại đồng đội, cô vô cùng vui mừng và cố gắng tham dự để hội ngộ đồng đội.
"Nghe nói họp các cựu tù là mừng lắm, giá nào cũng đi, dù bây giờ chân tay yếu, đi lại khó khăn. Tôi cố gắng tham dự để gặp lại các đồng đội sống chết có nhau, cảm xúc thật khó diễn tả," cô phấn khởi nói.

Bà Bùi Thị Son, thường được gọi là cô Ba Son, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, từng là nữ tù Côn Đảo, phấn khởi tham dự tại chương trình họp mặt.
Hồi tưởng lại quá khứ, cô kể rằng mình bị bắt năm 26 tuổi và bị giam tại nhiều nhà lao như Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, rồi cuối cùng là Côn Đảo. Dù phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệt, bị tra tấn dã man nhưng cô và các đồng đội vẫn kiên trung, giữ vững niềm tin vào cách mạng.
"Tôi tham gia cách mạng với tên công việc là trinh sát quân báo, chuyên thăm dò đường đi để vẽ sơ đồ cho biệt động tấn công các đồn bốt của địch. Khi bị bắt, chúng tra tấn rất tàn bạo nhưng tôi nhất quyết không khai báo, kiên quyết chống lại việc chào cờ và học nội quy của chúng. Khi ở nhà tù, chúng đánh đập đến mức cơ thể bầm tím, sưng tấy, không thể tự cởi áo ra được mà phải dùng kéo cắt bỏ. Địch tra tấn bằng cách gắn dây điện vào lỗ tai hoặc nhũ hoa của phụ nữ, thật sự rất dã man", cô Ba Son nhớ lại.
Chú Dương Văn Mến, cựu tù binh Phú Quốc, cùng vợ - cũng là cựu tù chính trị - tham dự chương trình. Xúc động khi gặp lại đồng đội, chú chia sẻ: "Hôm nay được gặp lại anh em, tôi rất vui và trân quý khoảnh khắc này. Chỉ cần mỗi năm còn có thể nhìn thấy nhau khỏe mạnh, còn đủ sức tham gia họp mặt là hạnh phúc lắm rồi. Ngày xưa, khi bị tra tấn trong nhà tù Phú Quốc, địch đánh đập dã man đến mức tưởng tôi đã chết, chúng nhét tôi vào bao bố cùng 2 đồng đội khác. Chính nhờ vậy mà tôi may mắn thoát chết. Giờ còn sống, được tham gia các cuộc họp, được nhìn thấy sự thay đổi phát triển của đất nước, tôi thấy mình rất may mắn".

Các cựu tù tham gia chương trình văn nghệ
Chương trình họp mặt còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh TPHCM, cho biết: "Chúng tôi quyết định tổ chức buổi họp mặt tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, nơi có sự tham gia của đông đảo sinh viên. Mục đích là để truyền tải đến các bạn trẻ hiểu rằng, có được ngày hôm nay là có phần công sức đóng góp của những người đã từng bị bắt, bị tù đày, những người đã đấu tranh cho hòa bình hôm nay. Đây là cách giáo dục truyền thống một cách chân thực, để thế hệ trẻ nhận ra rằng, họ phải học tập và rèn luyện để xứng đáng với những gì mà thế hệ đi trước đã hy sinh".

Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng tặng hoa Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM.
Em Nguyễn Hồng Thy, sinh viên Khoa Lao động và Công đoàn, trường Đại học Tôn Đức Thắng, bày tỏ: "Hôm nay, em rất vinh dự khi được tham dự chương trình. Em có cơ hội gặp gỡ nhiều cô chú, ông bà - những nhân chứng sống của thời kỳ chống giặc cứu nước. Chúng em được nghe trực tiếp những câu chuyện do chính các cô, chú, ông bà kể thay vì chỉ học qua các bài học lịch sử. Được gặp trực tiếp các cô chú, ông bà là cựu tù, em cảm thấy rất biết ơn. Em tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, hoàn thành tốt những mục tiêu nhỏ nhất và phấn đấu trở thành công dân có ích, cống hiến cho xã hội, để không phụ lòng công ơn của thế hệ đi trước".

Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh TPHCM, phát biểu tại chương trình.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Hoàng Thị Khánh không giấu được xúc động khi nhắc lại những năm tháng gian khó: "Chúng ta không thể quên những năm tháng trong dạ dày chỉ có bo bo, khoai mì chạy chỉ, khoai lang sùng, rất hiếm có mâm cơm có cá, có thịt… Sau chiến tranh, các cựu tù chính trị và tù binh tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ trong xây dựng đất nước, một lòng tin Đảng, tin đất nước sẽ vươn lên".
Bà Hoàng Thị Khánh cho biết thêm: Trong 50 năm qua, Ban liên lạc cùng ngành LĐTB-XH đã hoàn tất hồ sơ làm chính sách cho hàng ngàn đồng đội. Ngoài ra, Ban liên lạc đã xây dựng được Quỹ nghĩa tình, hỗ trợ cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh nan y với mức 10 triệu đồng/người, đến nay đã có trên 300 trường hợp được hỗ trợ.