Hợp nhất 3 tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long có giám đốc và 10 phó giám đốc

Bà La Thị Thúy giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long sau khi hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

.t1 { text-align: justify; } .t2 { max-width: 100%; }

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long sau khi sáp nhập thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long.

Sau khi sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên là 6.296,20 km2, quy mô dân số là 4.257.581 người.

Tỉnh Vĩnh Long có 1 Giám đốc, 10 Phó Giám đốc

Sáng 2/7, tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) sau sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre; Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo sở, ngành. Trong đó, bà La Thị Thúy được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long. [1]

 Bà La Thị Thúy giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long sau khi hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Ảnh: (Website của Hội cựu giáo chức tỉnh Bến Tre).

Bà La Thị Thúy giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long sau khi hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Ảnh: (Website của Hội cựu giáo chức tỉnh Bến Tre).

Bà La Thị Thúy (sinh năm 1975) có chuyên môn, nghiệp vụ Đại học Sư phạm Toán; học vị Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán; Cao cấp Lý luận Chính trị - Hành chính.

Bà La Thị Thúy từng nhận Bằng khen Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2011; Bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2009; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2016.

Quá trình công tác của tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long như sau:

Từ tháng 11-1997 đến tháng 6-1998: Giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Ba Tri.

Từ tháng 7-1998 đến tháng 9-2005: Giáo viên Trường Trung học phổ thông Bán Công Ba Tri.

Từ tháng 10-2005 đến tháng 7-2006: Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bán Công Ba Tri.

Từ tháng 8-2006 đến tháng 2-2011: Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ba Tri (nay là Trường Trung học phổ thông Phan Thanh Giản); Bí thư Chi bộ Trường Trường Trung học phổ thông Phan Thanh Giản từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2011.

Từ tháng 3-2011 đến tháng 9-2014; Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Trường Trường Trung học phổ thông Phan Liêm, Ba Tri.

Từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2016: Phó bí thư Chi bộ 5, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre.

Từ tháng 7-2016 đến tháng 12-2016: Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre.

Từ tháng 1-2017 đến tháng 2-2020: Phó giám đốc; Phó bí thư Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre (tháng 7-2018 đến tháng 2-2020).

Từ tháng 3-2020 bà La Thị Thúy được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre ; Phó bí thư Đảng ủy (tháng 3 đến tháng 6-2020); Bí thư Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre (từ tháng 7-2020). [2]

Đến nay, sau sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, bà giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long.

Các phó giám đốc gồm bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, ông Trịnh Văn Ngoãn, ông Bùi Minh Nhựt, ông Võ Văn Luyến, ông Võ Văn Bé Hai, ông Đoàn Hải Nam, ông Thạch Tha Lai, ông Nguyễn Thanh Tuấn, bà Bùi Thị Rảnh. [3]

Những điểm nhấn về giáo dục và đào tạo của 3 tỉnh trước sáp nhập

Nhiều năm qua, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh (cũ) tập trung toàn lực cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên một cách vững chắc, tạo nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao. Giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm.

Đến năm học 2024 - 2025, quy mô mạng lưới trường, lớp học phát triển rộng khắp, toàn ngành có 431 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với 214.461 học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh và từng bước đa dạng hóa về loại hình trường lớp. Đã xóa phòng học tre lá tạm, giảm phòng học bán kiên cố, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố của các cấp học đạt 90,12%, toàn tỉnh có 143 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 35,3%. [4]

Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh Trà Vinh trong năm 2024 cũng đạt được những kết quả vững chắc, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường tăng cao. Kết quả, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đạt, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; Phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 3; Phổ cập xóa mù chữ đạt mức độ 2; Phổ cập giáo dục trung học: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,88%; Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học học lớp 10 đạt tỷ lệ 96,70%; Thanh thiếu niên độ tuổi 18-21 tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 85,05%. [5]

Ngoài ra, theo báo cáo sơ kết quả học kỳ I, năm học 2024-2025, lĩnh vực giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chỉ đạo thực hiện hiệu quả; Công tác đảm bảo cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm, đầu tư đáp ứng việc dạy và học; Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ổn định ở mức cao.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025, tỉnh Trà Vinh đạt 18 giải với 03 giải Ba (Ngữ văn, Địa lí), 16 giải Khuyến khích (Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí). Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được triển khai, thực hiện hiệu quả theo kế hoạch và lộ trình của Bộ Giáo dục và đào tạo đối với lớp tất cả các lớp; Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực; Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo trường, cụm trường và toàn tỉnh được coi trọng đã góp phần tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng;… [6]

Về số lượng trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cũng được tăng lên, tính đến ngày 13/6/2025: Toàn ngành giáo dục đào tạo tỉnh Trà Vinh có 285/401 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 71,07% (Trong đó: Mầm non 67/111 trường, đạt 60,36%; Tiểu học 111/155 trường đạt 71,61%; Trung học cơ sở 72/99 trường, đạt 72,73%; Trung học phổ thông 35/36 trường đạt 97,22%). [7]

Đối với tỉnh Vĩnh Long (cũ) trước khi sáp nhập, năm 2024, tỉnh thực hiện hoàn thành lộ trình thực hiện và đạt chất lượng đối với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá được đẩy mạnh, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chất lượng giáo dục, đảm bảo yêu cầu thực hiện và phát triển chương trình theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ trẻ em, học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường tăng lên, chất lượng giáo dục ổn định; Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học đạt 99,71%.

Chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ giữ ổn định và có sự phát triển; Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác kiểm định chất lượng giáo dục được tăng cường; Tỉnh có 226/381 trường mầm non, phổ thông còn trong hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 59,32%.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt cho giảng dạy và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo kế hoạch. Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 5, 9, 12; Phối hợp cung ứng sách giáo khoa đảm bảo đầy đủ, kịp thời; hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9, 12. [8]

Ngoài ra, toàn tỉnh tiếp tục duy trì sự ổn định, có nhiều điểm sáng nổi bật trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ, đổi mới chuyên môn và chuyển đổi số về giáo dục mầm non. Một số kết quả nổi bật trong năm học 2024–2025 như tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%, trẻ mẫu giáo đạt 95,7%, trẻ nhà trẻ đạt 28%; 123/124 trường tổ chức bán trú; 93,8% trẻ được chăm sóc bán trú.

Có 71/124 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường được công nhận mới và 10 trường công nhận lại trong năm học; 100% cơ sở giáo dục mầm non sử dụng phần mềm eDoc, hệ thống văn bản điện tử VLg Office; hơn 80% giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin – AI trong dạy học; Xây dựng và khai thác “Kho học liệu số dùng chung cấp tỉnh” với hơn 4.100 học liệu số được giáo viên chia sẻ. [9]

Tại tỉnh Bến Tre (cũ), theo báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2024, mạng lưới trường, lớp học ổn định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giáo dục và học tập.

Toàn tỉnh có 172 trường giáo dục mầm non, số trẻ đến trường là 44.127 em; 174 trường tiểu học công lập với 2.901 lớp, 91.304 học sinh; 127 trường trung học cơ sở với 1.916 lớp, 73.407 học sinh; 36 trường trung học phổ thông với 778 lớp, 33.042 học sinh; 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với 7.750 học viên.

Ngoài ra có 07 trường tiểu học -trung học cơ sở sáp nhập; 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; 01 Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, 01 Trường phổ thông ngoài công lập 03 cấp học và 01 Trường 2 cấp học (tiểu học, trung học cơ sở) và Trường Năng khiếu thể dục thể thao.

Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,66%, trong đó hệ giáo dục phổ thông đạt 99,91%; Hệ giáo dục thường xuyên đạt 98,30%. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở các cấp.

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo tất cả các trường thực hiện giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới; Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; giáo viên linh hoạt vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tổ chức tốt các tiết dự giờ giao lưu giữa các tổ, thao giảng tổ, thao giảng trường, thao giảng cụm,...

Toàn tỉnh giữ vững thành quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi năm 2023 với 100% xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố tiếp tục được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi năm 2023. Huy động trẻ 4 tuổi ra lớp đạt 93,14%, riêng 02 huyện tổ chức thí điểm (huyện Chợ Lách và Thành phố Bến Tre) huy động trên 98%.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Cấp học mầm non có 59/153 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 38,56%; Cấp tiểu học có 89/174 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 51,14 %; Cấp trung học cơ sở có 73/127 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 57,48%; Cấp trung học phổ thông có 19/36 trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ 52,77%. [10]

Một số khó khăn còn tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại tỉnh Trà Vinh (cũ) vẫn còn một số khó khăn như: Số lượng máy vi tính phục vụ giảng dạy môn Tin học còn thấp so với nhu cầu (25% số lượng cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định). Nguyên nhân: Lượng máy cũ nhiều, nhanh xuống cấp, kinh phí sửa chữa, mua mới còn hạn chế. Số lượng giáo viên, học sinh có máy tính riêng và Internet còn ít nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số của nhà trường.

Đối với hạn chế trong hoạt động quản trị, quản lý và cơ sở dữ liệu: Việc chuyển đến, chuyển đi của nhân sự, học sinh ra ngoài tỉnh; việc đồng bộ, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm tuy đã thực hiện (yêu cầu khi trang bị phần mềm) nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu do thực tế phát sinh, thiếu các quy định mang tính pháp lý nhằm chuẩn hóa về việc trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm do trường tự trang bị nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường. [11]

Tại tỉnh Vĩnh Long (cũ), ngành giáo dục còn gặp một số khó khăn như tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ học bán trú còn thấp ở một số địa phương; Tiến độ kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia còn chậm.; Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt ở các điểm lẻ chưa đồng đều; Ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp khó khăn do hạn chế hạ tầng và thiết bị. [12]

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo quy định, trong khi đó tỷ lệ giáo viên/lớp của cấp học trung học phổ thông cao hơn quy định. [13]

Tại Bến Tre (cũ), một trong những khó khăn còn gặp phải là khi địa phương triển khai dạy và học bằng ngôn ngữ thứ hai tại các trường phổ thông. Việc phân công giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh còn gặp nhiều khó khăn, do yêu cầu vừa cần ngoại ngữ, vừa cần kiến thức chuyên môn sâu rộng; Học sinh tại các khu vực nông thôn hoặc vùng khó khăn thường có ít cơ hội tiếp cận với tiếng Anh; tình trạng chênh lệch trình độ ngoại ngữ trong cùng một lớp học cao. Điều này gây khó khăn cho giáo viên trong việc giảng dạy và quản lý lớp. [14]

Bên cạnh đó, tình trạng cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nên còn thiếu phòng học, xưởng thực hành, trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy.

Lưu lượng học sinh ngày càng tăng nhưng số lượng biên chế giáo viên của các Trung tâm không tăng thêm, dẫn đến không đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh hiện đang có dấu hiệu xuống cấp… [15]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/vinh-long-co-5-nu-giam-doc-so-sau-hop-nhat-post1756674.tpo

[2] https://bentre.gov.vn/Lists/ThuvienMedia/DispForm.aspx?ID=18

[3] https://vov.vn/chinh-tri/to-chuc-nhan-su/vinh-long-cong-bo-lanh-dao-cac-so-moi-post1211902.vov

[4] https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/tra-vinh-cham-lo-phat-trien-su-nghiep-giao-duc-va-dao-tao-46742.html

[5] https://sgddt.travinh.gov.vn/tin-noi-bat/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-pho-cap-giao-duc-xoa-mu-chu-va-pho-cap-giao-duc-trung-hoc-nam-2024-va-731577

[6] https://sgddt.travinh.gov.vn/so-giao-duc-va-dao-tao/hoi-nghi-so-ket-hoc-ky-i-va-trien-khai-nhiem-vu-trong-tam-hoc-ky-ii-nam-hoc-2024-2025-734881

[7] https://www.travinh.gov.vn/?pageid=37938&p_steering=119563

[8] Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

[9] https://vinhlong.edu.vn/tin-tuc2/giao-duc-mam-non/ho-i-nghi-to-ng-ke-t-nam-ho-c-2024-2025-ca-p-ho-c-ma-m-non3.html

[10] https://bentre.gov.vn/Lists/baocaoktxh/DispForm.aspx?itemid=129

[11] https://giaoduc.net.vn/pgd-so-gddt-tra-vinh-chat-luong-giao-duc-khong-chi-nam-o-pho-diem-tot-nghiep-post242263.gd

[12] https://vinhlong.edu.vn/tin-tuc2/giao-duc-mam-non/ho-i-nghi-to-ng-ke-t-nam-ho-c-2024-2025-ca-p-ho-c-ma-m-non3.html

[13] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan-thanh-tra/vinh-long-chua-giai-quyet-triet-de-tinh-trang-thua-thieu-giao-vien-cuc-bo-228774.html

[14] https://giaoduc.net.vn/can-co-co-che-chinh-sach-dac-thu-cho-gv-day-hoc-bang-ngoai-ngu-o-co-so-giao-duc-post245547.gd

[15] https://bentre.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/DispForm.aspx?ID=36407

Thanh Thúy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hop-nhat-3-tinh-so-gddt-tinh-vinh-long-co-giam-doc-va-10-pho-giam-doc-post252564.gd