Hợp tác Ấn Độ-Nhật Bản đảm bảo sự cân bằng tại châu Á
Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản được xem là phần quan trọng trong mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của hai nước, nhằm thúc đẩy ổn định khu vực và đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sáng 13/6, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản trong tái cân bằng khu vực châu Á".
Tham dự Hội thảo có TS. Kiều Thanh Nga và TS. Phan Cao Nhật Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi; GS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) cùng nhiều chuyên gia, học giả trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế.
Phát biểu khai mạc, TS. Kiều Thanh Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ trong việc định hình an ninh chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội thảo tập trung vào hai khía cạnh chính là hợp tác an ninh và quốc phòng giữa hai nước này.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân nhận xét rằng mối quan hệ quốc phòng, an ninh Ấn Độ-Nhật Bản đã giúp thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định khu vực, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khu vực dựa trên trật tự quản lý theo luật lệ. Hai nước đã cùng thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế các hoạt động quyết đoán, gây hấn, hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
TS. Phan Cao Nhật Anh đã phân tích lịch sử quan hệ Nhật Bản và Ấn Độ, không mấy nồng ấm từ những năm 2000 đến sự cải thiện đáng kể nhờ vào các động lực kinh tế song phương và chính sách tự do hóa của Ấn Độ. Quan hệ này còn được thúc đẩy bởi các chính sách kinh tế và quân sự của Trung Quốc, khiến Nhật Bản và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các diễn giả khẳng định tầm quan trọng của hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai quốc gia, nhấn mạnh rằng đây là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ song phương. Từ năm 2013, chiến lược An ninh quốc gia của Nhật Bản đã nhấn mạnh quan hệ đối tác với Ấn Độ, đặc biệt trong an ninh hàng hải. Trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ nhấn mạnh tăng cường hợp tác chiến lược và an ninh với Nhật Bản.
Trong phần phân tích của mình, NCS Trần Mỹ Hải Lộc (Khoa Quốc tế học, Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội) đã chỉ ra rằng các yếu tố ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nhật Bản bao gồm quyền lực và tầm ảnh hưởng của cả hai quốc gia, cũng như tình hình an ninh phức tạp trong khu vực. "Ấn Độ - Nhật Bản sẽ là các nhân tố tiềm năng cũng như quyết định sự ổn định cấu trúc quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á trong thế kỷ XXI", nhà nghiên cứu này nhận định.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự khác biệt trong lập trường về cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Nga và hỗ trợ Ukraine, trong khi Ấn Độ duy trì thái độ trung lập, tiếp tục mua dầu và vũ khí từ Nga.
Trong bối cảnh biến động khu vực hiện nay, hợp tác Ấn Độ-Nhật Bản đã có những thay đổi mang tính chiến lược phù hợp với bối cảnh khu vực. Hai nước cùng hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đóng vai trò then chốt trong khu vực. Nếu duy trì hợp tác an ninh, hai nước có thể giữ vững cán cân quyền lực và đảm bảo sự cân bằng tại khu vực châu Á.
Hiện nay, Ấn Độ và Nhật Bản là hai trong 7 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trong nhiều thập niên qua, dù trải qua không ít biến động phức tạp do ảnh hưởng của tình hình trong khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, Việt Nam-Nhật Bạn luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-tac-an-do-nhat-ban-dam-bao-su-can-bang-tai-chau-a-274917.html