Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 thành công tốt đẹp

Chiều 5/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động trong khuôn khổ Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM).

Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng trả lời, giải đáp các nội dung được báo chí quan tâm.

Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng trả lời, giải đáp các nội dung được báo chí quan tâm.

Theo đó, từ ngày 2 đến 6/8, Bộ Nội vụ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ (ACCSM) lần thứ 21 đã tổ chức Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối tác đối thoại và Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt.

Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ (Asean Cooperation on Civil Service Matters - ACCSM) được thiết lập từ năm 1981, nhiệm kỳ Chủ tịch hai năm luân phiên giữa các nước thành viên ASEAN.

ACCSM gồm đại diện các bộ, cơ quan phụ trách công vụ của 10 nước ASEAN và ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nền công vụ ASEAN, trao đổi thông tin, các đổi mới sáng tạo và các thực tiễn tốt, thúc đẩy hợp tác hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau xây dựng năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN ngày 28/7/1995, Bộ Nội vụ (lúc đó là Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ) được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối, chủ trì, tham gia cơ chế hợp tác ACCSM cùng với 7 nước thành viên. Trong 2 năm 2001 và 2002, Bộ Nội vụ đã thực hiện thành công vai trò Chủ tịch luân phiên của ACCSM lần thứ 11 (ACCSM 11) và tiếp tục năm 2021-2022 là Chủ tịch của ACCSM lần thứ 21.

Hội nghị lần này có sự tham gia đầy đủ của Lãnh đạo cơ quan công vụ 10 nước thành viên ASEAN, sự tham gia của Ngài Phó Tổng Thư ký ASEAN, đại diện 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đại diện một số nước đối tác, đối thoại là Úc với gần 100 đại biểu tham dự.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra các hoạt động như Cuộc họp cán bộ cấp cao ASEAN (SOM), Cuộc họp cán bộ cấp cao ASEAN+3 (SOM+3); Cuộc họp cấp Bộ trưởng - những người đứng đầu nền công vụ các nước ASEAN (HEAD), Cuộc họp Những người đứng đầu nền công vụ các nước ASEAN+3 (HEAD+3) và Diễn đàn về quản trị đất nước tốt.

Nội dung xuyên suốt trao đổi tại các cuộc họp tập trung vào việc tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thành trong Kế hoạch làm việc ACCSM 2016-2020 bị hoãn lại do dịch COVID-19; Kế hoạch làm việc ACCSM 2021-2025 và Kế hoạch làm việc ACCSM+3 2021-2025.

Hội nghị cũng thảo luận về các thách thức đặt ra đối với nền công vụ ASEAN giai đoạn hậu Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với sự nổi lên của các thách thức mới chưa từng có tiền lệ; đưa ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác ASEAN trong tình hình mới; gắn ứng dụng công nghệ thông tin như một phương tiện hiệu quả đổi mới cách thức làm việc trong nền công vụ, góp phần hiện đại hóa nền công vụ các nước ASEAN, đáp ứng với các xu thế và các thách thức mới hiện nay;

Hội nghị còn thảo luận về Tăng cường hợp tác với các nước +3 của ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước đối tác, đối thoại); tiếp tục triển khai thực hiện vai trò Điều phối của ACCSM trong Diễn đàn về quản trị đất nước tốt “Good Governance Forum” với tư cách là cơ quan chuyên ngành phụ trách về Diễn đàn này và một số vấn đề khác do Ban Thư ký ASEAN và/hoặc các nước thành viên ASEAN đề nghị.

Tại Cuộc họp SOM đã thống nhất Kế hoạch làm việc của ACCSM giai đoạn 2021-2025 với tất cả 31 dự án/hoạt động. Trong đó, có 7 dự án đã hoàn thành (22%); 5 dự án đang triển khai/hoạt động thường niên (16%) và 19 dự án đang được lên kế hoạch thực hiện (62%).

Tại Cuộc họp SOM+3, theo Kế hoạch làm việc của ACCSM+3 có tất cả 32 dự án/hoạt động. Trong đó, 7 dự án đã hoàn thành (22%); 4 dự án đang triển khai/ hoạt động thường niên (chiếm 12%) và 21 dự án đang được lên kế hoạch thực hiện (66 chiếm %).

Ngoài ra, Nhật Bản đề xuất 1 hoạt động vào trong Kế hoạch làm việc ACCSM+3 giai đoạn 2021-2025 là “Hội thảo quốc tế: Kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác hữu nghị ASEAN- Nhật Bản”. Dự kiến tổ chức thực hiện năm 2023.

Các dự án/hoạt động trong thời gian tới của ACCSM và ACCSM+3 tập trung vào các nội dung về quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công; xây dựng mô hình kế nhiệm nhân tài, phương pháp phát triển nhân tài; đánh giá năng suất lao động trong nền công vụ; cung ứng dịch vụ công; kinh nghiệm tinh giản công vụ trong các quốc gia +3, Hệ thống quản trị giữa các nước ASEAN +3; lãnh đạo trong bối cảnh hậu Covid-19: các kỹ năng ứng phó với những bất ổn của thế giới đầy biến động; công vụ số hóa nhằm cải thiện cung ứng dịch vụ; chuyển đổi số trong nền công vụ,…

Nhìn chung, các nội dung chủ yếu tập trung vào: Quản lý nguồn nhân lực, các kỹ năng ứng phó với những thách thức mới cũng như việc chuyển đổi số… Các nội dung này phù hợp với Chủ đề của ACCSM 21 là “Hiện đại hóa nền công vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng”.

Tại Cuộc họp cấp Bộ trưởng/Người đứng đầu nền công vụ ACCSM và ACCSM+3, với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam đã trình bày Kế hoạch hành động của ACCSM và ACCSM+3 để thực hiện sáng kiến của Việt Nam về Tuyên bố “Tăng cường sự thích ứng của nền công vụ đối với những thách thức mới”.

Tuyên bố đã được thông qua tại Cuộc họp những người đứng đầu nền công vụ ACCSM lần thứ 21 vào năm 2021 và được ghi nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 38 và 39 tại Brunei Darussalam.

Trong đó, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng thích ứng cao để đảm đương vai trò xây dựng chính sách và quản trị tốt, ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với các thách thức và môi trường đang thay đổi, tận tụy vì lợi ích của người dân ASEAN.

Việc thực hiện thành công Kế hoạch hành động của Tuyên bố sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công vụ các nước ASEAN một cách toàn diện trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và bền vững, nâng cao vị thế của ASEAN trên thế giới và cho tương lai của từng thành viên trong Cộng đồng.

Cuộc họp cũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của các nước+3; sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ giữa các nước ASEAN và sự hướng dẫn, cộng tác nhiệt tình, trách nhiệm của Ban Thư ký ASEAN; việc thực hiện các Khuôn khổ, Kế hoạch hành động, Chiến lược, những định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Bên cạnh các Cuộc họp, việc tổ chức Diễn đàn quản trị đất nước tốt về chủ đề “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” cũng được các đại biểu hoan nghênh và đánh giá cao.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, không chỉ những bài học thành công, mà cả những khó khăn trong triển khai, thực hiện chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nền công vụ của Indonesia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và đặc biệt là của Australia trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức và xây dựng cộng đồng các chuyên gia trong từng lĩnh vực với ý nghĩa thu hẹp khoảng cách, khuyến khích hợp tác giữa các nước ASEAN và bảo đảm tiếp thu những nguyên tắc quản trị hiệu quả của nền công vụ.

Ngoài ra, Ban Thư ký ASEAN cũng thông tin tới Hội nghị về các quyết định liên quan của các cuộc họp ASEAN khác như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025, việc giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN 2025; việc Timor-Leste xin gia nhập ASEAN; Chiến lược hợp nhất về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4…

Cũng tại Hội nghị, Brunei Darussalam đã nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ACCSM lần thứ 22 (2023-2024) từ Việt Nam.

Thái Lan thông báo về việc chuyển giao vai trò chủ trì Mạng lưới ASEAN về Đào tạo công vụ (PSTI) cho Việt Nam giai đoạn 2022-2024. Thời gian chuyển giao chính thức hoạt động này sẽ được thực hiện vào ngày 9-10/8/2022, bằng hình thức trực tuyến.

Đoàn Việt Nam đã gặp gỡ trao đổi ngoài lề với Ban Công vụ Australia để mở ra các hướng hợp tác song phương trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng công chức, công vụ.

Nhìn chung Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối tác đối thoại và Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt thuộc Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21) do Bộ Nội vụ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch đã thành công tốt đẹp.

Hội nghị đã cam kết, khẳng định quyết tâm thực hiện thành công các hoạt động thuộc Kế hoạch làm việc ACCSM 2021-2025, các Tuyên bố ASEAN trong lĩnh vực công vụ, Khuôn khổ đối tác chiến lược... để đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025

Hội nghị cũng cam kết, khẳng định quyết tâm tiếp tục duy trì, thúc đẩy Hợp tác của ACCSM trong các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và với các nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời, mở rộng quan hệ với các nước đối tác đối thoại ASEAN khác;

Hội nghị còn cam kết, khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác liên khu vực, phối hợp liên trụ cột và liên ngành để thúc đẩy quản trị tốt đóng góp xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, ổn định, tự cường, gắn kết, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho người dân, hội nhập kinh tế, có trách nhiệm xã hội, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và dựa trên luật lệ;

Hội nghị đã cam kết, khẳng định quyết tâm xây dựng nền công vụ thực sự đổi mới, hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn các thách thức mới, là động lực cho quản trị đất nước tốt và phát triển bền vững trong ASEAN và trong các nước thành viên ASEAN.

Riêng đối với Bộ Nội vụ Việt Nam, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ACCSM, năm 2022 là năm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 và giai đoạn sau 2025. ASEAN sẽ khởi động nhiều chương trình, đặc trách soạn thảo các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và giai đoạn sau đó.

Bộ Nội vụ đề xuất sáng kiến và cách tiếp cận để cải tiến việc triển khai thực hiện Kế hoạch Làm việc 2021-2025, chú trọng trao đổi thảo luận dựa trên 05 dòng hành động, cũng là các lĩnh vực ưu tiên sau.

Thứ nhất, bồi dưỡng nâng cao năng lực (nhận thức tư duy và kỹ năng) và các tiêu chuẩn cho nguồn nhân lực nền công vụ;

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện thể chế của các nền công vụ ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm;

Thứ ba, chính sách thu hút nhân tài, phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng đáp ứng trong tình hình mới;

Thứ tư, thúc đẩy tạo điều kiện cho các sáng kiến cải cách, hiện đại hóa nền công vụ, tăng cường quản trị đất nước tốt;

Thứ năm, tăng cường hợp tác khu vực, hợp tác đoàn kết nội khối, phát triển đối tác đối thoại; các vấn đề đặt ra trong tình hình mới do suy thoái kinh tế hậu Covid-19, do thay đổi chính sách của các nước lớn và khu vực.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên việc triển khai thực hiện “Tuyên bố ASEAN về tăng cường sự thích ứng của nền công vụ đối với các thách thức mới”,trong đó từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng thích ứng cao để đảm đương vai trò xây dựng chính sách và quản trị tốt, ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với các thách thức và môi trường đang thay đổi, tận tụy vì lợi ích của người dân ASEAN.

Có thể nói, Hội nghị ACCSM 21 đã thành công tốt đẹp, các nước thành viên ASEAN và ASEAN+3 đã đồng thuận rất cao về các nội dung được đưa ra trong chương trình nghị sự của Hội nghị và cam kết ủng hộ, mong được hợp tác với các đối tác để triển khai thực hiện các nội dung mà Hội nghị đã thông qua.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hop-tac-asean-ve-cac-van-de-cong-vu-lan-thu-21-thanh-cong-tot-dep-post709048.html