Hợp tác chống hàng giả trong ngành giấy và bột giấy
Việc ký kết quy chế hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam thể hiện sự quyết tâm của các doanh nghiệp ngành giấy trong công tác phòng chống hàng giả.
Chiều 24/12, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp về cung cấp thông tin, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam trong việc đề nghị phối hợp với lực lượng QLTT để bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy tại Việt Nam. “Việc ký kết thể hiện sự quyết tâm của các DN trong công tác phòng chống hàng giả” Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Cục trưởng, tại Việt Nam hiện nay, hàng giả xuất hiện tràn lan ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng cho đến mặt hàng khó phát hiện như xăng dầu, hóa chất.
Tuy nhiên, đối với ngành giấy việc phát hiện ra những vi phạm của lĩnh vực này sẽ càng khó khăn hơn bởi việc sản xuất ra các sản phẩm khá dễ dàng. Trong khi đó, các vi phạm rất khó có thể phân biệt bằng mắt thường. Vì vậy, lực lượng QLTT cần sự phối hợp chặt chẽ với DN và đơn vị hậu kiểm mới có thể phát hiện được vi phạm.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện, đa phần các DN trong ngành đều có sản phẩm bị làm giả, làm nhái từ rất lâu, có địa bàn hàng giả, hàng nhái chiếm đến 50%. Có nhãn hàng vừa giới thiệu ra thị trường đã bị làm giả, làm nhái. Cá biệt, một số địa phương chưa thiết lập đại lý bán hàng nhưng ở đó đã bán hàng giả và hàng nhái.
“Hàng giả hiện nay làm giả rất tinh vi như hàng thật, chỉ có nhà sản xuất mới phân biệt được là hàng thật và hàng giả” ông Nguyễn Đức Việt nói.
Cũng theo ông Việt, DN không thể tự mình thực hiện hoạt động nghiệp vụ chống hàng nhái, hàng giả trong ngành giấy. Việc phối hợp với Tổng cục QLTT thực sự cần thiết, nhằm tăng cường công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm và gian lận thương mại. Nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác QLTT lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong ngành giấy.
Việc ký quy chế phối hợp sẽ giúp Tổng cục Quản lý thị trường có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường mặt hàng giấy và các sản phẩm về giấy, đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh giấy và các sản phẩm về giấy các loại nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Theo đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam có trách nhiệm thông tin cho Tổng cục QLTT về tình hình, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước, thông tin về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn mác, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong kinh doanh giấy và các sản phẩm giấy trên thị trường nội địa, cung cấp tình hình, tư liệu giúp cho việc xác minh các vụ việc.
Bên cạnh đó, thông tin, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam liên quan đến công tác quản lý thị trường.
Định kỳ hàng năm, hai bên tổ chức các hội nghị giao ban để kịp thời trao đổi thông tin, đánh giá tình hình phối hợp và bàn định hướng hoạt động bổ sung các nội dung phối hợp phù hợp với thực tiễn thi hành và thống nhất phương hướng phối hợp kỳ tiếp theo.
“Hy vọng quy chế được ký kết và có hiệu lực thi hành sẽ giúp cho các DN trong ngành giấy và bột giấy Việt Nam phát triển bền vững” ông Việt kỳ vọng.