Hợp tác công tư đầu tiên nhằm nâng cao năng lực quản lý bệnh viêm gan virus
Trọng tâm của chương trình sẽ là các phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không chuyên khoa dựa vào cộng đồng.
Sáng kiến hợp tác công - tư mới với Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) - chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Brigham and Women's Hospital, Trường Y thuộc Đại học Harvard và Trung tâm Y tế Beth Israel vừa được Gilead Sciences, Inc công bố ngày 22/9. Đây là chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Brigham and Women's Hospital, Trường Y thuộc Đại học Harvard và Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess, dựa vào cách tiếp cận theo nhiều giai đoạn để góp phần giải quyết các rào cản đối với hoạt động chẩn đoán và chăm sóc bệnh viêm gan siêu vi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam và Philippines.
Gilead và HAIVN sẽ hợp tác với một liên minh của nhiều bên liên quan, bao gồm bộ y tế của các quốc gia, các tổ chức học thuật như Đại học Philippines-Manila (UP Manila), các bệnh viện tỉnh và trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu để hỗ trợ chương trình thí điểm này.
Trọng tâm của chương trình sẽ là các phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không chuyên khoa dựa vào cộng đồng trong phòng ngừa và quản lý căn bệnh viêm gan siêu vi, kết hợp giáo dục, sàng lọc, chẩn đoán và liên kết vào hoạt động chăm sóc viêm gan B và C trong các chuyến thăm bệnh nhân định kỳ cho các nhóm dân số có nguy cơ.
Gilead và HAIVN cũng đặt ra mục tiêu củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm các hệ thống chuyển viện và không chuyển viện để tăng cường phối hợp điều trị chuyên khoa và chăm sóc ban đầu. Hai tổ chức sẽ chia sẻ rộng rãi các kết quả và bài học từ sáng kiến này để góp phần nâng cao hiểu biết về các phương pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý bệnh viêm gan vi rút theo mô hình dựa vào cộng đồng, lấy con người làm trung tâm.
"Chương trình hợp tác này sẽ đưa ra bằng chứng để hóa giải sự phụ thuộc vào các chuyên gia (vốn rất khan hiếm và quá tải hiện nay) sang sử dụng một đội ngũ bác sĩ lâm sàng chăm sóc sức khỏe ban đầu đông đảo hơn, đồng thời củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao năng lực của các quốc gia trong việc chẩn đoán, quản lý và điều trị viêm gan siêu vi"-bác sĩ David Duong, MPH, Giám đốc Chương trình Chăm sóc ban đầu toàn cầu và Thay đổi xã hội của Trường Y thuộc Đại học Harvard, cũng là bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital, cho biết.
Sáng kiến sẽ hỗ trợ các ưu tiên quốc gia của Việt Nam và Philippines về tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và kiểm soát bệnh viêm gan. "Cách tiếp cận này có tiềm năng to lớn để có thể được áp dụng ở nhiều khu vực bệnh khác cũng như ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi có tình trạng khan hiếm chuyên gia"-Tiến sĩ Harald Nusser, Phó Chủ tịch Phụ trách bộ phận Giải pháp Bệnh nhân Toàn cầu của Gilead Sciences cho biết.
Viêm gan B và C dẫn đến bệnh mạn tính ở hàng trăm triệu người trên toàn cầu, chúng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra xơ gan, ung thư gan và tử vong liên quan đến viêm gan siêu vi. Ước tính có khoảng 354 triệu người trên toàn thế giới đang phải sống chung với căn bệnh viêm gan B hoặc C, và đối với hầu hết những người này, xét nghiệm và điều trị vẫn nằm ngoài tầm với của họ. Tại Việt Nam, trong tổng số 97 triệu người dân, gần 7,8 triệu người bị mắc viêm gan B và hơn 900.000 người bị mắc viêm gan C./.