Hợp tác công - tư thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt
'Trước đây tui rành chuyện phun thuốc lắm, mà tui rành… sai, tới giờ mới rành đúng cô ơi', ông Nguyễn Danh Trọng, 54 tuổi, ở ấp An Hưng, xã An Khánh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp nói và cười lớn. Ông là 1 trong số hàng nghìn nông dân đã được tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả thông qua chương trình hợp tác công - tư giữa Cục Bảo vệ thực vật, CropLife Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp trong 3 năm qua.
“Phun thuốc 4 đúng, khỏe cả cây lẫn người”
“Gia đình tui có 1 hecta, trước đây trồng ổi, từ 4 năm nay chuyển qua trồng sầu riêng”, ông Trọng chia sẻ câu chuyện của mình bên lề hội thi “Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm”. Hoạt động này nằm khuôn khổ Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2026” do Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam vừa phối hợp tổ chức.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề nông, ông Trọng cũng như nhiều bà con trong vùng thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm. Cứ tới cữ là phun thuốc, không cần biết có sâu bệnh hay không. Đầu năm nay, ông Trọng tham gia lớp tập huấn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm do Chi cục Trồng Trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Nhờ đó, ông biết đến nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách) khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Trước tui nghĩ mình rành cách dùng thuốc lắm, mà tập huấn xong mới biết tui đã… rành sai. Sau khi được tập huấn, cả năm nay, tui tăng sử dụng thuốc sinh học và phát hiện bệnh mới phun, chớ không xịt tràn lan như trước. Nhờ đó mà tiền thuốc, công phun đều giảm, lại khỏe cả cây lẫn người”, ông Trọng kể. Bà con láng giềng của ông, nhiều người cũng hào hứng tham gia tập huấn, tham quan các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm và phun thuốc “4 đúng”.
Ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, ông Nguyễn Văn Đầy cũng từng lo lắng khi vườn quýt hồng 1 hecta của mình đang xanh tốt bỗng héo vàng. “Đó là năm 2019. Các chuyên gia nông nghiệp về khảo sát vườn quýt hồng nhà tui, sau khi phân tích mẫu đất đã kết luận: đất hỏng hết cả. Hóa ra nhiều năm trời chúng tui lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất, đất bị vắt kiệt và trở nên chai cứng, gây nghẹt rễ, khiến cây quýt hồng bị vàng lá, thối rễ và chết”, ông Đầy nhớ lại.
Quyết tâm hồi sinh vườn quýt mình đã gây dựng mấy chục năm qua, ông Đầy bắt đầu thay đổi thói quen thực hành sản xuất. Theo lời chuyên gia và cán bộ nông nghiệp, ông bắt đầu sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và chế phẩm Trichoderma để ủ phân hữu cơ bón cho quýt hồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng".
“Trước đây, tui phun thuốc kiểu định kỳ, cứ nửa tháng phun một lần chớ không dựa vào mức độ dịch hại. Sau khi tham gia tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, tui đã biết cách xác định thời điểm và cách thức sử dụng thuốc đúng cách, hạn chế lạm dụng và phun thuốc quá liều”. Bằng việc thực hành sản xuất tốt như vậy, ông Đầy đã cứu được vườn quýt hồng của mình, cây nào cây nấy khỏe mạnh với bộ lá xanh, cứng cáp và nhiều loài thiên địch có ích rủ nhau tìm về.
Năm 2023, vườn quýt của ông Đầy cho sản lượng 12 - 13 tấn. Năm nay, nắng nóng kéo dài, thời tiết không thuận lợi, vườn quýt dự kiến vẫn cho thu hoạch 7 - 8 tấn. Đáng nói là vườn quýt hồng của gia đình ông đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Lai Vung vào những tháng cuối năm, khi trái bắt đầu chín vàng rực. Hai tháng cuối năm ngoái, gia đình ông đón hàng nghìn lượt khách tham quan và thưởng thức các đặc sản từ trái quýt hồng như nước quýt, mứt quýt, mang lại doanh thu khoảng 500 triệu đồng, chưa kể 300 - 400 triệu đồng thu từ việc bán trái quýt.
Cải thiện đáng kể kiến thức, thái độ và thực hành của nông dân
Ông Đầy, ông Trọng chỉ là 2 trong số hàng nghìn nông dân đã được tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả thông qua chương trình hợp tác công - tư giữa Cục Bảo vệ thực vật, CropLife Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp kéo dài 5 năm, từ 2021 đến 2026.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tính đến hết năm 2024, chương trình đã tổ chức tập huấn cho hơn 3.700 nông dân, gần 1.000 đại lý vật tư nông nghiệp và 100 cán bộ kỹ thuật tại tỉnh; cấp phát hơn 3.700 bộ đồ bảo hộ lao động cho nông dân sử dụng khi phun và pha chế thuốc.
Bên cạnh đó, đã triển khai 6 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực (lúa, hoa cảnh, sầu riêng, ớt, xoài và cây có múi) với tổng diện tích trên 350ha. Hơn 600 hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo từng đợt, dựa trên quá trình sinh trưởng của cây trồng. Cán bộ tập huấn không chỉ cung cấp thông tin về lý thuyết mà còn trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, cách thức lựa chọn, pha chế, phun thuốc và xử lý bao gói thuốc sau sử dụng. Những lưu ý về các loại dịch hại phổ biến và phương thức thực hành IPM để phòng trừ các loại dịch hại này cũng được phổ biến cho nông dân trong mô hình.
Cùng với đó, chương trình thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, phổ biến kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, thông qua phát hành nhiều tài liệu, tờ rơi, áp phích, quạt in thông tin, phát sóng chuỗi video hướng dẫn trên Đài truyền hình Đồng Tháp và lắp đặt các bộ pano tại các mô hình và các huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Kết quả khảo sát do Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) thực hiện cho thấy chương trình đã cải thiện đáng kể kiến thức, thái độ, và thực hành của nông dân cũng như đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đối với nông dân, dữ liệu ghi nhận mức độ hiểu biết rõ về thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 6 - 34% tùy theo chủ đề được tập huấn. Các thay đổi tích cực cũng được thể hiện qua thực hành như lựa chọn, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc; trong đó tỷ lệ nông dân chỉ mua thuốc theo kinh nghiệm hoặc thói quen giảm 21,7%.
Tương tự, mức độ hiểu biết rõ của đại lý thuốc bảo vệ thực vật về các quy định chung liên quan đến buôn bán, chất lượng thuốc và thu gom bao gói tăng từ 8 - 18% so với trước tập huấn. Hơn 95% đại lý đã chủ động tư vấn nông dân sử dụng đồ bảo hộ lao động cũng như truyền đạt các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật.
Hợp tác công - tư tô lại màu cho ngành nông nghiệp
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, áp dụng các phương thức sản xuất bền vững không chỉ đem tới nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, sức khỏe và môi trường, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Vì thế, tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết và ưu tiên của Cục. “Sau 3 năm triển khai chương trình tại Đồng Tháp, sự tham gia và phản hồi tích cực của nông dân - đối tượng tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ các lớp tập huấn, đã cho thấy hiệu quả và một số tác động bước đầu của chương trình; qua đó đề cao tầm quan trọng của hợp tác công - tư trong quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn”, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cho biết.
“Sức khỏe và sự an toàn của những người tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật là ưu tiên hàng đầu của CropLife cùng các thành viên, đồng thời thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn của chúng tôi trong việc hỗ trợ an ninh lương thực và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Chúng tôi hy vọng thành công của chương trình hợp tác triển khai tại Đồng Tháp sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng và kêu gọi được sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị - hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm”.
Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam
Thực hành nông nghiệp tốt như trường hợp của ông Trọng, ông Đầy và những nông dân ở Đồng Tháp chính là tô lại màu cho bức tranh nông nghiệp, từ nâu sang xanh. Và hợp tác công – tư nhằm giúp huy động, tận dụng hiệu quả nguồn lực và chuyên môn để nâng cao hiệu quả chương trình, mở rộng phạm vi thụ hưởng, chính là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy các thực hành sản xuất bền vững tại vùng đất sen hồng. Điều này hàm ý rằng, Nhà nước cần thiết kế được những chính sách và có những cách làm đúng để huy động và phát huy tổng lực các nguồn lực, đặc biệt của khu vực tư, để nhân rộng, để lan tỏa những thực hành tốt trong sản xuất nông nghiệp trên cả nước và đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.