Hơp tác đa phương giữa hải quan Việt Nam và các nước ASEAN
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (DG) là cơ chế hợp tác cao nhất của Hải quan ASEAN, được tổ chức thường niên và luân phiên giữa các cơ quan Hải quan ASEAN.
Năm nay, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 được tổ chức tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, từ ngày 4 - 6/6. Ngay sau lễ khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ đã trả lời phỏng vấn báo chí các vấn đề liên quan hội nghị.
Xin ông cho biết những nội dung nổi bật của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33?
Tại hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức tại Phú Quốc từ 4 - 6/6/2024, các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN sẽ cùng nhau thảo luận các nội dung kế thừa, tiếp nối thành quả của Hội nghị lần thứ 32 tổ chức tại Thái Lan.
Các nội dung chính bao gồm Danh mục biểu thuế chung ASEAN, Cơ chế một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên ASEAN và các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại chung của ASEAN. Hội nghị cũng sẽ bàn bạc và định hướng hợp tác hải quan trong thời gian tới, đặc biệt là định hướng cho Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) giai đoạn 2026-2030.
Một phần quan trọng của Hội nghị là các phiên tham vấn giữa Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN với Tổng cục trưởng/Cao ủy Hải quan các đối tác trong khu vực bao gồm Hải quan Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia và Tổng thư ký tổ chức Hải quan thế giới nhằm trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ để triển khai các sáng kiến của Hải quan ASEAN trong thời gian tới.
Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33?
Việc đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác Hải quan ASEAN lần thứ 33 năm 2024 có ý nghĩa lớn đối với Hải quan Việt Nam. Ý nghĩa đầu tiên là thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có ASEAN. Sau đó, thể hiện Hải quan Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong ASEAN. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam trong cơ chế hợp tác ASEAN và trên thế giới.
Hải quan Việt Nam, mong muốn và hy vọng với sự đóng góp trong phạm vi, khả năng của mình, cùng Hải quan ASEAN hướng đến một mục tiêu chung trong tiến trình hội nhập của Hải quan ASEAN, góp phần vào xây dựng thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Xin ông cho biết vai trò của Hải quan Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN sean lần thứ 33?
Với vai trò là thành viên Hải quan ASEAN, Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị theo nghĩa vụ thành viên, luân phiên tổ chức hội nghị hàng năm.
Với vai trò là Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và nâng tầm tính tích cực và trách nhiệm để điều phối các cơ quan hải quan thành viên ASEAN, thúc đẩy việc triển khai các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) đúng tiến độ; khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực tế triển khai, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan Hải quan thành viên; tích cực phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp để triển khai các sáng kiến của Hải quan ASEAN, đặc biệt là đối với những nội dung mới nổi liên quan đến quản lý hải quan.
Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng thể hiện vai trò chủ động trong đề xuất các sáng kiến hải quan xanh, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về kiểm soát hải quan đề xuất triển khai trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đạt được mục tiêu hợp tác hải quan ASEAN, góp phần xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN thịnh vượng, bền vững, hiện thực hóa tầm nhìn của ASEAN về “Một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả người dân”.
Xin cảm ơn ông.