Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế
Đó là chủ đề hội thảo do Báo Văn hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 25/4, tại thành phố Nha Trang.
Hội thảo có sự tham dự của 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, ngày 30/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững” nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Du lịch toàn quốc. Đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Thông qua hội thảo này, các đại biểu, các học giả, chuyên gia, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch đóng góp ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa ra các giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành Du lịch ổn định, bền vững trong tương lai.
Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung như:kế hoạch, định hướng của ngành Hàng không trong việc kết nối đường bay quốc tế, mở cửa bầu trời kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành Hàng không và Du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính cắt giảm quy trình thủ tục phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh phát triển...
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, dù “mở cửa” đón khách quốc tế sớm nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn so với các nước. Cụ thể, trong quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2,6 triệu lượt, bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 80% trong năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Do vậy, Hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Hàng không và Du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên.
Theo ông Hà Văn Siêu, các vấn đề cần thảo luận đó là giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa ngành Hàng không và Du lịch...
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu ý kiến: Du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thay đổi về sản phẩm, cần có giải pháp trung, dài hạn; sớm cập nhật, hoàn thiện và ban hành Chiến lược phát triển du lịch bền vững đến năm 2030; hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, du lịch số, bao gồm cả mô hình hỗn hợp (trực tiếp và trực tuyến), du lịch không chạm, du lịch MICE; phát triển du lịch bền vững cần giải quyết triệt để các vấn đề về biển sạch, đảm bảo các yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Bàn về vấn đề cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel Holdings cho rằng, cần đưa mục tiêu tăng xếp hạng của điểm đến trên các bảng xếp hạng du lịch trong khu vực để phục vụ công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh hiệu quả và đồng bộ sản phẩm. Đặc biệt, quan tâm cải thiện và quy hoạch lại các khu ẩm thực, chợ đêm; trong đó các khu ẩm thực, chợ đêm cần được đầu tư, quy hoạch bài bản.
Một số đại biểu chia sẻ, đối với ngành Hàng không, cần giải quyết lợi ích của hành khách khi bị hủy chuyến; “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay chính là visa cho khách quốc tế, cần tăng thời gian lưu trú, mở rộng danh sách các nước; giá vé các điểm du lịch và giá vé máy bay ở Việt Nam hiện nay quá cao khiến cho khách quốc tế hủy chuyến...
Hội thảo là cơ hội để đại diện các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển bứt phá trước những cơ hội lớn sắp tới; tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi và tăng cường phổ biến pháp luật trong nước, pháp luật quốc tế tới doanh nghiệp. Qua đó, ngăn chặn, xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hóa, gây tổn hại tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước trong mắt khách du lịch quốc tế.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam; các chính sách phù hợp, cắt giảm những quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch; quản lý chặt chẽ hơn nữa, hạn chế tối đa tình trạng xâm phạm đến tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và lợi ích lâu dài của cộng đồng. Các đại biểu nhấn mạnh, hai ngành Hàng không và Du lịch cần phối hợp tăng cường hợp tác quảng bá, xúc tiến điểm đến; hình thành các sản phẩm hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.