Hợp tác khu vực hướng tới Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Ngày 26-7, tại Hà Nội, Cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Hợp tác khu vực hướng tới Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Hội thảo được tổ chức là cơ hội để mỗi quốc gia trao đổi, thảo luận, chuẩn bị tốt nhất cho quá trình tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu, hướng tới Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Theo ông Trương Trí Đức, Phó cục trưởng Cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học biển, môi trường biển và đới bờ, cũng như giải quyết vấn đề rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. “Khi thỏa thuận được thông qua sẽ là minh chứng sống động, thể hiện tinh thần gắn kết và hợp tác giữa các quốc gia trong việc chung tay giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nói chung và ô nhiễm nhựa nói riêng", ông Trương Trí Đức nói.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Trương Trí Đức đã đưa 2 nhiệm vụ mà các quốc gia có biển cần phải triển khai gồm: Nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách về ô nhiễm môi trường, thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á.
Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Mette Moglestue cho biết, Na Uy luôn đi đầu và cam kết mạnh mẽ cùng 56 quốc gia chấm dứt ô nhiễm nhựa, giảm thiểu sản xuất tiêu thụ nhựa. Hiệp ước này sẽ mở đường cho chuỗi giá trị nhựa bền vững hơn cũng như thúc đẩy các giải pháp trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ở mỗi quốc gia.
“Năm 2019, tổng lượng rác thải nhựa ở Lào là 98.523 tấn; năm 2020, rác thải nhựa ở 6 thành phố lớn đã lên tới 60.000 tấn. Trong số đó, chỉ 6,8% được tái chế, chủ yếu chôn lấp, 17,7% trôi theo các dòng chảy ra biển”, ông Inthavy Akkharath, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào cho biết.
Vì vậy, Chính phủ Lào đã xây dựng chính sách quản lý và giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa với 4 mục tiêu: Hoàn thiện khung pháp lý để giảm thiểu rác thải nhựa; nâng cao nhận thức cho xã hội; khuyến khích giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần; đưa ra hệ thống quản lý, theo dõi, đánh giá triển khai các kế hoạch đồng bộ giữa các địa phương.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines, ông AI Orolfo cho hay, Chính phủ Philippines cũng thực hiện các chương trình của mình bằng việc chuyển sang nền kinh tế xanh, đẩy mạnh sự tham gia của khối kinh tế tư nhân.
Tại hội thảo, đại diện các quốc gia đều nhất trí về tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong việc chống ô nhiễm nhựa. Những kinh nghiệm của từng quốc gia sẽ được phác thảo thành một chiến lược hợp tác để giải quyết ô nhiễm nhựa và góp phần xây dựng Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Tin, ảnh: HỒNG PHÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.