Hợp tác kinh tế Việt Nam - Tứ Xuyên chưa tương xứng với tiềm năng

Tứ Xuyên hiện là địa phương tại Trung Quốc có quan hệ thương mại lớn thứ 2 với Việt Nam. Tuy nhiên, với những tiềm năng đang có của 2 bên, hợp tác thương mại giữa tỉnh Tứ Xuyên Việt Nam được đánh giá là vẫn còn khá khiêm tốn.

Hội nghị diễn ra Lễ ký 3 Bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Lê Hồng Nhung.

Hội nghị diễn ra Lễ ký 3 Bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Lê Hồng Nhung.

Sáng ngày 3/4, nhân chuyến công tác tại Việt Nam của đoàn công tác Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên)”. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 120 doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Phát biểu tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Riêng tỉnh Tứ Xuyên là địa phương tại Trung Quốc có quan hệ thương mại lớn thứ 2 với Việt Nam. Ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) trong khối ASEAN.

Những năm gần đây, quan hệ kinh tế giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu, trong đó có sự góp phần từ việc kết nối của tuyến đường sắt liên vận Trung Quốc (Tứ Xuyên) – Việt Nam, tuyến vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên)... Mặt khác, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Tứ Xuyên cũng đã tiến hành đầu tư vào Việt Nam,

Tuy nhiên, ông Tài cho rằng, với quy mô dân số 84 triệu người và vị trí địa lý quan trọng của tỉnh Tứ Xuyên, kết quả hợp tác của hai bên vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng mang lại. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Tứ Xuyên mới chỉ đạt 10 tỷ USD (giảm 20% so với năm 2021), còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại Việt nam – Trung Quốc.

Chính vì vậy, hội nghị diễn ra là dịp mở ra những cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc (Tứ Xuyên) tăng cường hơn trong việc giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Từ đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, cân bằng và bền vững.

Doanh nghiệp Minh Tiến Berest giới thiệu sản phẩm cà phê đến doanh nghiệp phía tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Lê Hồng Nhung

Doanh nghiệp Minh Tiến Berest giới thiệu sản phẩm cà phê đến doanh nghiệp phía tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Lê Hồng Nhung

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Tứ Xuyên Hoàng Lê cho rằng, hội nghị được coi là hoạt động cụ thể hóa hành động, là cơ hội để mở ra một chương mới cho hợp tác tốt đẹp trong mối quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Nói rõ hơn về lợi thế mà tỉnh Tứ Xuyên đang có, bà Hoàng Lê cho rằng, tỉnh là đầu mối nối Tây Bắc và Tây Nam Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á. Tổng lượng kinh tế của Tứ Xuyên năm 2022 đứng vị trí thứ 6 trên toàn Trung Quốc. Đồng thời tỉnh còn tạo ra môi trường nhiều tiềm năng, là điểm đầu tư sôi nổi tại miền Tây Trung Quốc.

Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, năm 2022, tỉnh Tứ Xuyên có quy mô ngoại thương đạt 151,1 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên đạt khoảng 11,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh này (theo Cục Thống kê tỉnh Tứ Xuyên).

Tại sự kiện, trao đổi với Mekong ASEAN về vấn đề xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Giám đốc công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng đối với sản phẩm yến sào Khánh Hòa. Trước đây, chính sách là vấn đề lớn nhất kìm chân doanh nghiệp khi Trung Quốc chưa cấp phép cho ngành yến sào Việt xuất khẩu sang đây.

Tuy nhiên, với việc ra đời Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022, doanh nghiệp Yến sào Khánh Hòa đã bắt đầu thúc đẩy làm thủ tục đăng ký mã sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Sản phẩm yến sào của doanh nghiệp trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Sản phẩm yến sào của doanh nghiệp trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Trong khi đó, Giám đốc công ty TNHH TN Yên Bái (chuyên sản xuất trà táo mèo) Trương Thị Úy Nga cho rằng, chỉ có thông qua xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm của Việt Nam mới có cơ hội quảng bá, phát triển tại Trung Quốc nói riêng.

Nhà máy sản xuất của TN Yên Bái hiện đã đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Trung Quốc và cả châu Âu như ISO, GMP… Tuy nhiên, dù đã kết nối với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng TN Yên Bái vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch sản phẩm "trà táo mèo" sang thị trường này do bất cập về các thông tin danh mục.

Hiện nay, xuất khẩu hàng sang Trung Quốc từ Việt Nam chưa có danh mục xuất khẩu trà (“trà” và “chè” dịch sang tiếng Trung đều là 茶, trong khi tại Việt Nam, một số vùng phân biệt rõ cây trồng gọi là “chè”; còn với sản phẩm chế biến gọi là “trà”).

Bà Nga cũng cho biết, doanh nghiệp đã báo lên Chi Cục Quản lý chất lượng tỉnh Yên Bái để bổ sung danh mục này sớm nhất có thể, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hop-tac-kinh-te-viet-nam-tu-xuyen-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang-post19878.html