Hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản - Bài 1: Hiệu quả từ liên kết trong sản xuất
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ các loại dịch bệnh, giá các loại vật tư nông nghiệp luôn ở mức cao… song, giai đoạn vừa qua, sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng 5,2 - 5,9%/năm.
Có được kết quả đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn ngành, hướng tới phát triển ngành nông nghiệp hiện đại.
Yên Bái có điều kiện về đất đai, với gần 90% diện tích đất nông - lâm nghiệp; khí hậu rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản. Trước đây, sản xuất nông nghiệp vẫn còn có những hạn chế, nhất là tình trạng "được mùa, mất giá”. Việc tiêu thụ nông sản cho nông dân phụ thuộc chủ yếu vào tư thương và do thị trường quyết định, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không theo chuỗi giá trị. Do đó, nông dân đã bao lần rơi vào cảnh lao đao trước giá cả nông sản không ổn định và mất giá như: giá cây ăn quả, sắn, gà, lợn… nên có thời điểm người dân bỏ bê không buồn chăm sóc cây và "treo” chuồng trong thời gian dài do giá xuống quá thấp.
Gia đình bà Trần Thị Dung ở thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ trồng cây ăn quả hơn 10 năm thì cũng từng ấy năm phải hứng chịu sự thăng trầm về đầu ra sản phẩm, về giá. "Hiện tại, trên địa bàn chưa có doanh nghiệp thu mua ổn định nên mỗi khi vào mùa thu hái giá cả đều do thương lái quyết định. Như năm ngoái, giá nhãn quả giảm đến 1/2, thấp nhất trong 10 năm qua nhưng vẫn phải bán thu được ít nào hay ít đó” - bà Dung chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá nông sản xuống thấp và không ổn định, có lẽ ai cũng nhận ra, là do phát triển sản xuất không theo nhu cầu của thị trường, sản xuất tự phát, không có dự báo về thị trường đầu ra...
Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, cách làm bài bản, căn cơ, tỉnh và các ngành tổ chức lại sản xuất từ quy hoạch, phân vùng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, đa canh như: vùng tre măng Bát độ, vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng lúa, vùng chè… và đưa các giống cây trồng, vật nuôi hàng hóa vào sản xuất.
Bên cạnh đó là những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích trực tiếp cho nông dân, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển khá toàn diện, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ như một luồng gió mới để Yên Bái đẩy mạnh phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao lợi ích của các cá nhân tham gia trong chuỗi liên kết. Trong 5 năm triển khai Nghị định, tỉnh đã xây dựng được 67 dự án phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí 199.503 triệu đồng. Một số mô hình liên kết điển hình được hình thành.
Cụ thể như: Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tre măng Bát độ Trấn Yên đã củng cố và phát triển vùng sản xuất, chế biến măng Bát độ trên địa bàn huyện đảm bảo bền vững, tăng thu nhập cho nông dân. Từ những diện tích tre măng đầu tiên, nay đã phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa với diện tích trên 4.000 ha, giá trị mang lại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Từ khi hình thành chuỗi liên kết, hàng nghìn hộ dân không những có cây giống đảm bảo chất lượng, được hướng dẫn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mà còn được ký hợp đồng bao tiêu bền vững. Ông Hà Văn Liêm ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên là một trong số đó.
Ông Liêm chia sẻ: "Trước đây, khi thị trường phụ thuộc vào thương lái có năm tính ra lỗ nhưng kể từ khi có ký kết bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, măng sơ chế đến đâu được tiêu thụ đến đó. Với hơn 20 ha măng; trong đó, có khoảng 10 ha đang trong độ thu hoạch, mỗi năm cây tre măng Bát độ mang về cho gia đình tôi 500 - 600 triệu đồng”.
Hay như Dự án xây dựng chuỗi liên kết trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ được triển khai tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên từ năm 2021, với tổng kinh phí hỗ trợ của dự án giai đoạn (2021 - 2025) trên 4,4 tỷ đồng; trong đó, tỉnh hỗ trợ 800 triệu đồng. Đến nay, đơn vị chủ trì dự án là HTX Bình An đã xây dựng được vùng nguyên liệu 1.000 ha quế hữu cơ với sự tham gia của trên 300 hộ.
Ông Lý Hai - Giám đốc HTX Bình An cho biết: "Khi tham gia vào chuỗi, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Còn chúng tôi chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý”.
Kết quả đạt được trong xây dựng các chuỗi liên kết giá trị đã góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, góp phần đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh hằng năm luôn đạt cao, nằm trong nhóm đứng đầu của khu vực và toàn quốc. Năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,29%; cơ cấu tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh; chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh không ngừng được nâng lên.
Hiện, toàn tỉnh đã có 44 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; cấp được 68 mã số vùng trồng; bước đầu thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư công nghiệp chế biến cho một số sản phẩm chủ lực như: gỗ rừng trồng, quế, chè, măng, sắn, dâu tằm... với trên 585 cơ sở chế biến quy mô tập trung. Tất cả đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh.
Có thể khẳng định, việc hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào tránh tình trạng "đứt gãy” luôn là trăn trở, là câu hỏi của mỗi chủ thể tham gia chuỗi liên kết đặt ra, cần có giải pháp tháo gỡ.
Hồng Duyên
Bài 2: "Chìa khóa” phát triển nông nghiệp hiện đại