Hợp tác mới thúc đẩy mô hình quản lý chất thải tuần hoàn tại Việt Nam
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy hôm nay ký kết Thỏa thuận hợp tác mới cho dự án 'Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững'.

Quang cảnh lễ ký kết.
Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, với hai giải pháp chính: xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, thiết lập cơ sở thu hồi vật liệu kết hợp với đồng xử lý rác thải không tái chế trong lò nung xi-măng; thử nghiệm Chương trình đặt cọc hoàn trả cho bao bì nhựa.
Buổi lễ ký kết có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả, Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc, cùng các doanh nghiệp như Tomra, Duy Tân, Xi-măng Lam Thạch và đối tác thực hiện dự án.
Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng gia tăng chất thải rắn sinh hoạt, trong đó các dòng rác có giá trị thấp như túi nylon, xốp và bao bì nhựa dùng một lần thường không được thu gom để tái chế, mà thường được chôn lấp và dễ bị rò rỉ ra môi trường.
Một nghiên cứu tại bãi rác Long Mỹ (tỉnh Bình Định) năm 2023 do UNDP thực hiện cho thấy, nhóm chất thải này chiếm 20,4% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày được vận chuyển và xử lý tại bãi rác của Thành phố.
Mặc dù Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 30% vào năm 2025, thực tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng do việc phân loại, thu gom và tái chế vẫn chưa đồng bộ, thiếu hướng dẫn phù hợp và đầu tư hạ tầng cần thiết.
Dựa trên nền tảng hợp tác chặt chẽ từ năm 2019, UNDP và Na Uy đã triển khai nhiều sáng kiến tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận và Bình Dương, nhằm thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường khung chính sách, cải thiện thu gom, phân loại và thúc đẩy tái chế. Tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), chương trình phân loại rác tại nguồn đã được khởi động, 1 Cơ sở thu hồi vật liệu đã được xây dựng tại bãi rác Long Mỹ để phân loại các dòng rác thải nhựa, nhằm thúc đẩy thu gom và tái chế.
Nghiên cứu của Dự án OPTOCE về đồng xử lý trong lò nung xi-măng do SINTEF thực hiện và nghiên cứu tiền khả thi về DRS do Đại sứ quán Na Uy và phòng thương mại của Đại sứ quán (Innovation Norway) triển khai đã cung cấp thêm căn cứ để Dự án có thể thí điểm các mô hình này trên thực tế.
Trên cơ sở các mô hình thí điểm được triển khai hiệu quả, UNDP và Na Uy sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Phát biểu tại sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cùng nhau chứng minh rằng các chính sách mới, giải pháp tại địa phương và quan hệ đối tác vững chắc có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương và bảo vệ các hệ sinh thái ven biển tuyệt vời của Việt Nam. Việc ký kết hôm nay thể hiện cam kết chung của chúng tôi đối với một Việt Nam xanh sạch hơn, sử dụng tài nguyên hợp lý hơn, và một nền kinh tế không để ai bị bỏ lại phía sau.”
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken khẳng định “Na Uy đặt ưu tiên cao cho việc chống ô nhiễm nhựa đại dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý chất thải bền vững. Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác chặt chẽ với UNDP, Cục Môi trường, các cơ quan hữu quan của các tỉnh Quảng Ninh và Kiên Giang, cũng như khu vực tư nhân để thực hiện Dự án này. Quan hệ đối tác công tư có tác dụng kết hợp sức mạnh và nguồn lực của cả hai khu vực, tạo ra các giải pháp sáng tạo và đem lại những tác động có thể nhân rộng. Vì thế sự tham gia của công ty Xi-măng Lam Thạch và công ty TOMRA của Na Uy là minh chứng cho sức mạnh quan hệ đối tác này trong việc thúc đẩy thay đổi bền vững và đạt được các mục tiêu chung của chúng ta.”
Dự án Pha III này sẽ tiếp nối các kết quả đã đạt được từ Pha I và Pha II, nhằm nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt với cơ sở thu hồi vật liệu kết hợp giải pháp đồng xử lý trong lò nung xi-măng dự kiến triển khai tại Thành phố Cẩm Phả. Bên cạnh đó, Dự án sẽ thử nghiệm mô hình Chương trình cọc hoàn trả dự kiến tại thành phố Phú Quốc.
Ở cấp quốc gia, dự án sẽ đóng góp vào chính sách, thúc đẩy học hỏi liên tỉnh và thiết lập cơ chế giám sát minh bạch, hướng tới kinh tế tuần hoàn. Yếu tố giới và công nghệ số sẽ được tích hợp xuyên suốt để đảm bảo giải pháp toàn diện, bao trùm.