Hợp tác quốc tế theo mô hình Nhà trường - Nhà nước
ĐH Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác quốc tế theo mô hình Nhà trường - Nhà nước với các đối tác trong dự án giáo dục đại học HeisCITI.
Ngày 17/4, ĐH Đà Nẵng đã khai mạc Hội thảo quốc tế "Thu hút sinh viên quốc tế và các mục tiêu phát triển bền vững thời kỳ hậu COVID 19". Hội thảo do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Đại học WSB (Akademia WSB), Ba Lan, Đại học Truyền thông Stuttgart, Đức và Đại học Mykolas Romeris, Litthuania tổ chức.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án HEIsCITI - Dự án quốc tế trực tuyến không biên giới do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ. Dự án tập trung vào việc đổi mới và phổ biến các chương trình giảng dạy đại trà bao gồm phương pháp và công cụ hỗ trợ giảng dạy cho tất cả các loại hình đào tạo trình độ đại học.
Dự án hướng tới mục tiêu hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy sinh viên và học viên, phù hợp với yêu cầu thực tế xã hội và sự tương tác gắn kết chặt chẽ với các cơ quan nhà nước tại địa phương, dưới mô hình liên kết Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp vì sự hội nhập, hòa nhập và phát triển đô thị bền vững trong thời kỳ hậu Covid -19.
Hội thảo kéo dài trong các ngày từ 17 - 21/4, gồm các phiên thảo luận với một số nội dung trọng tâm như: Sinh viên quốc tế (như chương trình đào tạo, chính sách thu hút, sinh viên quốc tế...) và tiềm năng hợp tác về Dự án quốc tế nhằm mục đích kết nối và phát triển bền vững của tất cả các đối tác tham gia dự án HEIsCITI. Đổi mới phương pháp giảng dạy cho sinh viên. Các công cụ hỗ trợ giáo dục chung cho người dạy và người học. Sự tham gia của sinh viên vào sự phát triển của bền vững của thành phố - xây dựng tương tác hiệu quả của người dân đối với chính quyền địa phương/khu vực. Học hỏi kinh nghiệm quản lí, đào tạo; phát triển đối tác Á – Âu trong lĩnh vực giáo dục đại học, mở rộng mạng lưới và tiếp cận các đề án, dự án hợp tác quốc tế trong tương lai.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan học tập tại Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng về điển hình hợp tác giữa Nhà trường và các tỉnh của Lào trong đào tạo lưu học sinh; chia sẻ công tác đảm nhận trọng trách hợp tác đào tạo nhân lực cho Lào và Campuchia theo diện học bổng của UBND thành phố Đà Nẵng; vai trò của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu ứng dụng và tư vấn có quy mô lớn, có uy tín ở khu vực Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông Tây và khu tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia.
Tại Việt Nam, Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã xác định quốc tế hóa giáo dục đại học là một nhiệm vụ trọng tâm và thu hút sinh viên quốc tế là một giải pháp quan trọng. Đại học Đà Nẵng cùng với các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc đang đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, kiến tạo môi trường mang tính quốc tế hóa cao để đáp ứng nhu cầu hội nhập, đào tạo sinh viên quốc tế.
ĐH Đà Nẵng được chọn tham gia vào Dự án giáo dục đại học HeisCITI - Các cơ sở giáo dục đại học thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các thành phố châu Âu trong thời kỳ hậu Covid-19, trong khuôn khổ Chương trình Erasmus + do Liên minh Châu Âu tài trợ. ĐH Đà Nẵng chia sẻ về quá trình thực hiện công tác hợp tác quốc tế theo mô hình Nhà trường - Nhà nước. Các đối tác giáo dục đại học tại Châu Âu tham gia dự án sẽ tham khảo quy trình và sau đó triển khai các chuyến trải nghiệm thực tế tại ĐH Đà Nẵng để học hỏi kinh nghiệm, thiết lập một bộ công cụ, các phương pháp và hướng dẫn phục vụ cho các kết quả của dự án được áp dụng ngay tại các thành phố của Châu Âu.