Hợp tác quốc tế về văn hóa, văn học nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hợp tác quốc tế về văn hóa, văn học nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng văn hóa nói riêng, đất nước nói chung.

Mới đây, nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển văn học nghệ thuật không thể phát triển một mình mà cần hợp tác quốc tế, phải có giao lưu, quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước mình.

Có thể thấy văn hóa, văn học nghệ thuật được coi là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa, văn học nghệ thuật là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đổi mới về văn hóa đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới của văn hóa Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: VOV)

Bài liên quan

Hết sức coi trọng công tác văn hóa và công tác xây dựng Đảng

Văn hóa, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, động lực của sự phát triển

Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng

Xây dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam trong giai đoạn mới

Trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hợp tác quốc tế về văn hóa, văn học nghệ thuật là một trọng những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng văn hóa nói riêng, đất nước nói chung.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hiện nay chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, chính vì thế, hội nhập quốc tế về văn học nghệ thuật là quá trình tất yếu, không thể tránh khỏi. Quá trình hội nhập này, được cộng hưởng bởi các phương tiện truyền thông mới, càng ngày càng phát triển, đa dạng về loại hình, phong phú về cách thức thể hiện, có thể mang lại cả thuận lợi và thách thức đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Về phía thuận lợi, chúng ta có cơ hội được tiếp xúc, hưởng thụ tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới. Chính qua việc tiếp cận này, chúng ta có thể học hỏi và làm giàu có hơn thêm văn học nghệ thuật nước nhà. Chúng ta có thể thấy nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay đã bắt kịp với xu hướng chung của quốc tế. Một số tiểu thuyết, MV âm nhạc, bộ phim, hay sản phẩm nghệ thuật khác không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn nhận được sự quan tâm rộng rãi của khán giả thế giới.

"Điều này rất có ý nghĩa khi chúng ta có thể đem các sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, về những giá trị văn hóa Việt Nam, mang những thông điệp, hình ảnh Việt Nam đến bạn bè các nước.

Văn học nghệ thuật, lúc này, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bản sắc dân tộc, hình thành nên sức mạnh mềm quốc gia, tạo nên bản lĩnh văn hóa, giúp chúng ta hội nhập tốt hơn trong một thế giới mà quá trình hội nhập quốc tế có thể làm hòa tan, biến mất một nền văn hóa". PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Tuy nhiên, Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta cũng thấy rất nhiều mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng. Những hiện tượng lai căng, lệch chuẩn, sính ngoại quá đà trong rất nhiều sản phẩm văn học nghệ thuật, cả trong ngôn từ lẫn cách thức, phong cách thể hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, đạo đức con người Việt Nam.

"Đây chắc chắn là những điều chúng ta cần lên án, điều chỉnh để hội nhập quốc tế là quá trình tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới, chứ không phải quá trình tiếp nhận không có chọn lọc", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Phân tích thêm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chắc chắn chúng ta không thể lảng tránh, quay lưng lại với việc hội nhập về văn học nghệ thuật, vì thế, chúng ta cũng phải chấp nhận trong quá trình đó có những tiếp nhận tinh hoa và có những thứ không phù hợp.

Điều mà chúng ta cần làm là cần tiếp thu tối đa tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới để làm giàu có thêm đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời hạn chế tối đa những yếu tố phản cảm, lệch chuẩn, không phù hợp với văn học nghệ thuật đất nước để xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Để làm được điều đó, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nghệ thuật giúp hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn học nghệ thuật ra nước ngoài. Chúng ta nên chủ động và tích cực mở rộng hợp tác văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác quốc tế, đưa các quan hệ quốc tế về văn học nghệ thuật đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Đồng thời, phải chú trọng hơn nữa việc phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn học nghệ thuật của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

"Bên cạnh các trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và tại Lào hiện tại, chúng ta cũng cần xây dựng thêm một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài khác để từ đây trở thành trung tâm, bệ phóng để quảng bá, lan tỏa giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam ra các nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hop-tac-quoc-te-ve-van-hoa-van-hoc-nghe-thuat-la-mot-trong-nhung-nhiem-vu-quan-trong-post172064.html