Hợp tác tạo đòn bẩy cho nông nghiệp khu vực Tây Nguyên
Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu hợp tác với Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, giảm phát thải và linh hoạt với thị trường. Đây là cơ hội cho các HTX trên địa bàn nắm bắt để vươn lên phát triển.
Trong cuộc làm việc với Tổng giám đốc toàn cầu IDH vào trung tuần tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam hiểu rằng đã đến lúc cần phát triển nông nghiệp theo xu thế mới của người tiêu dùng, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn, thay vì sản xuất theo kiểu “mua đứt bán đoạn”.
Thay đổi tư duy sản xuất
Điều đó được thể hiện sâu sắc trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngành nông nghiệp định hướng chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy chuỗi giá trị, tư duy kinh tế.
Nếu trước đây, sản xuất nông nghiệp diễn ra tự phát, thì hiện nay đặt ra yêu cầu phát triển gắn liền với hệ sinh thái, môi trường. Cách tiếp cận này hứa hẹn có thể tạo đòn bẩy cho sự phát triển bền vững hơn cho các ngành hàng nông sản, đặc biệt là cây cà phê, cây hồ tiêu, những cây trồng của vùng Tây Nguyên.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các HTX, doanh nghiệp ở Tây Nguyên ngày càng có nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tồn tại ở Việt Nam đã lâu nên việc hướng tới sự phát triển bền vững vẫn có những điểm nghẽn.
Để khơi thông những điểm nghẽn này, các HTX trên địa bàn cần thể hiện tốt vai trò cầu nối, đầu tàu dẫn dắt nông dân. Và thực tế, đã có không ít HTX đang làm rất tốt điều này.
Điển hình như HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông - một trong những HTX tham gia mô hình cà phê dưới tán rừng. Giám đốc Phạm Văn Thạch cho biết, HTX có 250 ha cà phê đang được thành viên phát triển theo hướng sinh thái, hữu cơ.
Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp các thành viên tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh. Không chỉ vậy, xung quanh vườn cà phê có thác nước, tạo nên cảnh thiên nhiên mát mẻ, trong lành, thích hợp cho du khách tham quan.
Còn theo ông Trần Hữu Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Phú Nông (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông), từ khi mới thành lập, HTX đã định hướng phát triển cà phê theo hướng cảnh quan bền vững.
HTX hiện có hơn 100ha cà phê trồng theo hướng cảnh quan với 3 tầng sinh thái. Tầng cao là các trụ tiêu, cây ăn quả, tầng giữa là cà phê và tầng thấp nuôi dưỡng thảm cỏ, thực vật.
“Chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chỉ sử dụng đạm cá, đậu nành, tự ủ vỏ cà phê... để bón cho cây. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, mà còn tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cho con người”, ông Trung nói.
Tạo điểm tựa vững vàng cho nông dân
Thời gian qua, khu vực Tây Nguyên đã có những chương trình khuyến nông cộng đồng, các HTX, các hiệp hội ngành hàng góp phần giải quyết những đặc điểm manh mún, nhỏ lẻ trong chuỗi ngành hàng. Quá trình sản xuất cũng ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường.
Ông Daan Wensing, Tổng giám đốc toàn cầu IDH nhấn mạnh, những thay đổi, chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên phù hợp với chiến lược của IDH.
Theo đó, ông Daan Wensing cho rằng, cần tăng cường hỗ trợ người nông dân, các HTX, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và các cây trồng khác theo hướng bền vững, phát thải thấp, quy mô lớn.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng Hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng (cần sự phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương đánh giá các vùng có nguy cơ mất rừng thấp, vừa và cao tại khu vực Tây Nguyên theo định nghĩa của Liên minh châu Âu - EU).
Bên cạnh đó, xây dựng và thử nghiệm hệ thống truy xuất nguồn gốc/minh bạch chuỗi cung ứng cho sản phẩm cà phê theo yêu cầu của EU tại các vùng có nguy cơ; tổng hợp và phản hồi với EU về hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng dựa trên các thử nghiệm trên.
Có thể thấy, với tư thế của nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, Việt Nam đang vươn đến “vị thế chín muồi”, và cần theo đuổi các hoạt động gia tăng giá trị tích cực hơn, từ cà phê đặc sản đến cà phê hữu cơ, cà phê dưới tán rừng.
Nhất là khi nông dân muốn phát triển mô hình cà phê dưới tán rừng, nếu gắn với du lịch hoặc các hoạt động giá trị gia tăng khác được phát triển, các nhà hoạch định chính sách có thể đánh giá tiềm năng của cách làm đó trong cộng đồng, để các nỗ lực sẽ được thực hiện theo hướng có lợi cho nhiều người.
Không chỉ với cây cà phê, việc phát triển sản xuất gắn với kinh tế tuần hoàn có thể nhân rộng với nhiều giống cây chủ lực tại Tây Nguyên như hồ tiêu, ca cao, bơ… Ở đó, các mô hình hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và IDH, để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm phát thải và đáp ứng với các yêu cầu của thị trường, đang mang lại nhiều hy vọng cho người nông dân, HTX, doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.