Hợp tác thúc đẩy phát triển công nghiệp, năng lượng, khai khoáng là điểm sáng trong quan hệ kinh tế

Tham tán Nguyễn Thị Hồng Thủy cho rằng, hợp tác trong phát triển công nghiệp, năng lượng, khai khoáng đang là điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam - Séc.

Ngày 19/7, tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu tổ chức tại Italia, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc đã có những chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và những nỗ lực của Thương vụ trong việc thúc đẩy mở rộng thị trường.

Hợp tác thương mại song phương vẫn là điểm sáng

Trình bày tại hội nghị, Tham tán Thương mại Nguyễn Thị Hồng Thủy cho biết: Diễn biến kinh tế Séc không nằm ngoài bối cảnh của nền kinh tế thế giới với nỗ lực phục hồi sau Covid-19 trong khi bị tác động bởi các cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraina, Hamas – Israel. Nhìn chung có nhiều khó khăn do Séc là một trong những nước thành viên EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực.

Năm 2023 tình hình kiểm soát lạm phát, đặc biệt kiểm soát giá năng lượng tại Séc được cải thiện nhiều so với giai đoạn trước song lạm phát vẫn ở mức cao nhất tại EU, lạm phát trung bình cả năm 2023 mới giảm xuống 10,7% từ mức trên 15% trong năm 2022. Nếu môi trường kinh tế chính trị tại Séc và khu vực không có biến động gì lớn từ nay đến hết 2025 thì dự đoán mức lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ về mức 2,7%, trước khi giảm xuống 2,4% vào năm 2025.

Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc phát biểu

Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc phát biểu

Chi tiêu các hộ gia đình tiếp tục giảm -3,1% năm 2023 so với mức giảm -0,6% năm 2022, nhưng dự tính sẽ tăng 2,7% vào năm 2024 và 3,5% vào năm 2025. Năm 2024, dự đoán tăng trưởng GDP thực tế sẽ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, mức dự đoán năm 2025 là tăng 2,6% so với 2024.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội không mấy thuận lợi như vậy, hợp tác thương mại song phương Việt – Séc tiếp tục là điểm sáng do vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt ở cấp độ hai con số. Ước tính kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Séc 6 tháng đầu năm là hơn 1,8 tỷ đô la.

Nếu vẫn giữ được đà này, thương mại song phương sẽ vượt mốc 3 tỷ USD trong năm nay và mức tăng trưởng thương mại song phương trung bình hoặc sẽ chuyển từ mức tăng gấp đôi mỗi 5 năm lên tăng gấp đôi mỗi 3 năm; hoặc sẽ bão hòa do sức hấp thụ và dung lượng thị trường đã tới ngưỡng sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp ở cấp độ hai con số’- Tham tán thương mại tại Cộng hòa Séc nhận định.

Năm 2024, bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép của khu vực doanh nghiêp có vốn nước ngoài thì các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu góp mặt trong nhóm Top 10 nhóm hàng có doanh số tăng trưởng nhanh so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm hoa quả tươi tăng 52%, các sản phẩm ngũ cốc chế biến thuộc chương 19 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam tăng 67%, trà cà phê tăng 52%.

Ở chiều ngược lại, nhóm các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Séc có doanh số giảm nhiều nhất trong nửa đầu năm 2024 cũng phản ánh rõ sự phục hồi chậm hoặc chưa phục hồi của khu vực sản xuất tại địa bàn. Vì đây đều là các nhóm sản phẩm đầu vào cho ngành công nghiệp nặng, công nghiệp ô tô của Séc, cụ thể là hóa chất vô cơ giảm 98%, xe có động cơ và phụ tùng giảm 9%, sắt thép giảm 20%, sản phẩm sắt thép giảm 20%, đồng và sản phẩm đồng giảm 22%, công cụ dụng cụ và nhóm sản phẩm kim loại giảm 41%, cao su giảm 5%. Khi khu vực sản xuất công nghiệp tại địa bàn phục hồi và tăng trưởng tốt hơn thì xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam mới có thể cải thiện được.

Cùng với các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao Séc cùng các doanh nghiệp Séc vào Việt Nam trong hai năm vừa qua thì hợp tác song phương tiếp tục phát triển tốt, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Các công ty trong lĩnh vực nhiệt điện, môi trường, khai khoáng, sản xuất vũ khí, sản xuất xe chuyên dụng của Séc đặc biệt quan tâm thị trường Việt Nam, một số tên tuổi có thể kể đến như Enelex (Hệ thống quản lý chất lượng than dùng cho nhà máy nhiệt điện), ARMEX Group (điện, khí, xăng dầu), Tập đoàn CSG (xe chuyên dụng, vũ khí)… Thương vụ tại Séc đã vinh dự kết nối thành công FPT của Việt Nam với Skoda qua đó, FPT cung cấp một số dịch vụ phần mềm cho ô tô của Skoda tại Việt Nam. Thương vụ cũng đang giúp công ty cơ khí chính xác của Séc 2JCP với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo.

Nhiều doanh nghiệp Séc đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư

Bên cạnh thương mại, hợp tác đầu tư Việt – Séc trong thời gian qua tiếp tục đạt những tiến bộ đáng khích lệ. Đầu tư của Séc vào Việt Nam phát triển tương đối toàn diện cả về đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Về đầu tư trực tiếp, dự án nổi bật trong hai năm gần đây là hợp tác giữa Skoda với Tập đoàn Thành công để sản xuất và phân phối xe ô tô tại Việt Nam.

Về đầu tư gián tiếp, mới đây có dự án của SEV.EN Global Investment mua lại 51% cổ phần của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 từ công ty The AES, Mỹ. SEV.EN Global Investment là nhà đầu tư có kinh nghiệm vể quản lý và khai thác mỏ. Tập đoàn đã có mặt tại châu Âu, châu Úc, Mỹ và dự án tại Việt Nam đánh dấu bước tiến đầu tiên của tập đoàn vào châu Á. Nếu thành công, dự án này sẽ là dự án đầu tư lớn nhất từ Séc vào Việt Nam, tổng giá trị đầu tư sẽ lớn gấp nhiều lần tổng số vốn đầu tư từ Séc vào Việt Nam từ trước tới nay.

Mông Dương 2 là nhà máy nhiệt điện than công suất 1,2 GW ở miền Bắc nước ta. Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2015. Đây là nhà máy cung cấp điện chiến lược cho khu vực miền Bắc. Sev.en Global Investments cam kết vận hành nhà máy theo hợp đồng BOT (Xây dựng, Vận hành, Chuyển giao) hiện có với các tiêu chuẩn an toàn và môi trường cao nhất. Năm 2040 khi kết thúc hợp đồng BOT, nhà máy điện sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam.

Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc (áo đen) trong một chuyến công tác về Việt Nam tham gia xúc tiến, đẩy mạnh đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường Séc

Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc (áo đen) trong một chuyến công tác về Việt Nam tham gia xúc tiến, đẩy mạnh đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường Séc

Ngoài ra, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt kiều từ Séc rất tích cực đầu tư trở lại Việt Nam, từ các hình thức đơn giản như thành lập công ty thu gom hàng từ Việt Nam để xuất khẩu sang Séc và châu Âu, tới các văn phòng du lịch, nhà máy sản xuất, chế biến tại Việt Nam đối với các mặt hàng thực phẩm, dệt may, công cụ dụng cụ hay khu nghỉ dưỡng, khu du lịch và khu công nghiệp, dự án bất động sản thương mại và nhà ở ... Mặc dù vốn đăng ký và thực hiện các dự án của Việt kiều làm chủ chưa được cập nhật vào tổng vốn đầu tư từ Séc vào Việt Nam song đang góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm tại Việt Nam và đóng góp vào tăng cường hợp tác kinh tế song phương.

Từ những kết quả này, đại diện Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc cho rằng: Hợp tác thương mại đầu tư Việt – Séc đang có đà tăng trưởng tốt, tận dụng được quan hệ gắn bó truyền thống trong đó vai trò của Việt kiều đã và đang đóng góp một phần không nhỏ, nếu đánh giá đúng và có biện pháp hỗ trợ kịp thời sẽ tiếp tục phát huy tốt.

Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành năng lượng và khai khoáng của Séc có lịch sử phát triển lâu đời nếu hợp tác bổ sung tốt cho ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp nặng của Việt Nam.

Còn đó những khó khăn

Chỉ ra những thuận lợi, song Tham tán thương mại tại Séc cũng chỉ ra những khó khăn nhất định trong việc mở rộng thị trường, đưa hàng hóa của Việt Nam đến gần và nhiều hơn tay người tiêu dùng. Theo đó, tại Séc, hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung, nhóm nông sản thực phẩm của Việt Nam nói riêng có lợi thế hơn so với hàng hóa từ các nước thành viên ASEAN khác. Kể từ năm 2020, Việt Nam đã vươn lên làm đối tác thương mại lớn nhất của Séc trong số 10 nước ASEAN với kim ngạch thương mại song phương với Séc luôn dẫn đầu trong nhóm các nước ASEAN. Tuy nhiên, so với hàng hóa từ các nước thành viên EU thì Việt Nam chưa cạnh tranh được về chất lượng, giá thành và dịch vụ, đặc biệt đối với các nhóm hàng: hoa quả tươi, rau và gia vị tươi, vật liệu xây dựng ... do các nước thành viên EU có lợi thế về khoảng cách địa lý, về tiêu chuẩn chất lượng hài hòa trong khối.

Khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay là các rào cản kỹ thuật của EU ngày càng nhiều, đặc biệt đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm tiêu dùng thường xuyên và nhóm sản phẩm đắt tiền như Yến sào, dược liệu, đông trùng hạ thảo ... đề nghị Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước đàm phán dỡ bỏ các rào cản với EU để các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa thêm mặt hàng xuất khẩu.

Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang địa bàn hiện đã đứng ở mức cao trong vài năm gần đây, kể từ đại dịch Covid-19 và chưa thấy tín hiệu trở lại mức trước dịch, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với các bộ, ngành liên quan về phương án hỗ trợ, tăng cường hiệu quả công tác logistics trong nước, giải quyết bới khó khăn về cước vận chuyển cho doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư sản xuất trực tiếp tại địa bàn.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-tac-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-nang-luong-khai-khoang-la-diem-sang-trong-quan-he-kinh-te-333608.html