Hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh – Tây Nguyên
DNVN – Cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác, phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, gần 50 đầu việc sẽ được triển khai trong thời gian tới với quy mô cấp vùng, trên tinh thần 'xắn tay áo' cùng làm để đạt hiệu quả cao nhất.
Triển khai gần 50 đầu việc trong năm 2023
Sau 2 phiên thảo luận (cấp sở, ban, ngành và cấp UBND) trong ngày 24/8, tại Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã thống nhất 3 nội dung quan trọng, với gần 50 đầu việc sẽ triển khai để cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác phát triển trong năm 2023.
Theo đó, thống nhất các sự kiện do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, các đơn vị trực thuộc thành phố phụ trách thực hiện, gồm: 7 sự kiện tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, 8 sự kiện tổ chức tại các tỉnh Tây Nguyên.
Điển hình như: Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 với sự tham gia của 38 tỉnh thành đã ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh; Lễ hội tinh hoa làng nghề và đặc sản Việt Nam; chuỗi sự kiện kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành; Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE)…
8 sự kiện tổ chức tại các tỉnh Tây Nguyên. Tại Đắk Nông có chương trình hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, phát triển thương hiệu; xây dựng gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch của TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Đắk Nông…
Lâm Đồng sẽ tổ chức hội thảo kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư… Đắk Lắk tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại tỉnh Gia Lai: hội nghị trao đổi các nội dung hợp tác giữa ngành y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tại tỉnh Kon Tum: trao đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản trong cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực), nấm dược liệu và nấm ăn.
Ngoài ra, các nội dung, hoạt động hợp tác song phương của từng tỉnh trong vùng Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh sẽ được triển khai trên 7 lĩnh vực chính, về: nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển các mô hình chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông sản, đa dạng hóa kinh tế nông thôn; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; phát triển du lịch nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các dịch vụ…
"Xắn tay áo" cùng làm
Để triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, với vai trò là đầu tàu, TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các tỉnh vùng Tây Nguyên triển khai kế hoạch chung. Các tỉnh Tây Nguyên sẽ phân công một lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chủ trì, chỉ đạo; thành lập tổ công tác của tỉnh để phối hợp tổ chức triển khai các nội dung đã thống nhất. Phối hợp các đơn vị của TP Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch chi tiết, hỗ trợ địa điểm, kinh phí, cơ sở vật chất cần thiết để tổ chức các hoạt động.
Ngay sau hội nghị, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh sẽ chủ trì, tổng hợp trình ban hành kế hoạch chung năm 2023; các sở, ngành, trường đại học của thành phố hoàn chỉnh, trình ban hành các kế hoạch chi tiết, cụ thể thuộc thẩm quyền của UBND thành phố và chủ động ban hành các kế hoạch thuộc thẩm quyền của ngành mình để sớm triển khai thực hiện.
Trên tinh thần đó, tổ trưởng tổ điều phối đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành các kế hoạch phối hợp với sở, ngành của TP Hồ Chí Minh để triển khai hiệu quả nhất các nội dung đã thống nhất.
Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc triển khai kế hoạch hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2023 có ý nghĩa làm tiền đề, bài học kinh nghiệm để đến 2025 tiến hành tổng kết chương trình hợp tác có những kết quả thật sự ý nghĩa, thiết thực, tạo động lực phát triển mới cho từng địa phương.
Ông Hoan cũng lưu ý, khi tổ chức các chương trình, sự kiện, dù ở TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh Tây Nguyên, phải gắn với cái chung của toàn vùng, để người dân, doanh nghiệp cả nước tham gia. Qua đó góp phần phát triển du lịch và thu hút đầu tư.
“Đặc biệt các sự kiện gắn với văn hóa sắp diễn ra tại Tây Nguyên, phải làm sao tạo được bản sắc riêng, phải đẳng cấp và gắn với hoạt động xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư. TP Hồ Chí Minh sẽ xắn tay áo cùng các tỉnh xây dựng ý tưởng, huy động nguồn lực tổ chức, chứ không để các tỉnh tự bơi”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Ngày 25/8, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ khảo sát, tham quan một số địa điểm tiềm năng triển khai hoạt động hợp tác đầu tư phát triển tại tỉnh Đắk Nông. Nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh.
Đồng thời trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh việc xúc tiến, hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, để thể hiện truyền thống tốt đẹp “tương thân, tương ái”, đoàn công tác của TP Hồ Chí Minh sẽ thăm hỏi, động viên, trao tặng quà cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai tại tỉnh Đắk Nông.