Hợp tác thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển tốt với những số liệu tích cực…
Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương diễn ra chiều 23/12, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển một cách tích cực. Trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước, trong đó kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng rất tích cực.
Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng bình quân khoảng 16%/năm. Bất chấp những ảnh hưởng bất lợi của thương mại toàn cầu, xung đột địa - chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đang trên đà tăng tốc tích cực.
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm đạt 112 tỷ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 102 tỷ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt 10 tỷ USD, tăng gần 30%.
Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ, theo nhận định của ông Peter Navarro, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ định làm cố vấn cấp cao về kinh tế và sản xuất của Mỹ, các chính sách, biện pháp bảo hộ về biện pháp ứng phó với tình trạng lạm phát, thâm hụt thương mại, xử lý vấn đề người nhập cư, bảo vệ người lao động trước hành vi thương mại cạnh tranh không công bằng, xử lý các vấn đề về xã hội, giáo dục, y tế... sẽ được thông qua.
Bên cạnh đó, các biện pháp thuế quan tiềm năng của chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ tác động rất lớn đến thương mại toàn cầu và nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang chuẩn bị phương án ứng phó cho các tình huống. Nếu Đạo luật thương mại có đi có lại (USRTA) có hiệu lực, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 các quốc gia và vùng lãnh thổ được ưu tiên để đàm phán giải quyết các vấn đề về thặng dư thương mại (Ấn Độ, Trung Quốc thuộc nhóm 1, Liên minh châu Âu thuộc nhóm 2 và nhóm 3 gồm Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan).
Đề xuất của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ
Bên cạnh các mục tiêu hợp tác kinh tế thương mại trong dài hạn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để kịp thời thích ứng với những diễn biến thế giới:
Thứ nhất, tiếp tục mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ, tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường đối thoại, hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, an ninh năng lượng.
Thứ ba, duy trì và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại kết hợp hình thức truyền thống và trực tuyến.
Thứ tư, tập trung giải quyết vấn đề thặng dư thương mại, công nhận nền kinh tế thị trường và các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, như vấn đề cá tra.
Thời gian vừa qua cơ quan Thương vụ cùng với Đại sứ quán đã liên tục tiếp và làm việc với các công ty tư vấn luật và các công ty, các tập đoàn được vận động hành lang. Qua trao đổi với các công ty tư vấn luật, cựu quan chức trong chính quyền, Hoa Kỳ đánh giá cao Việt Nam thông qua việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu. Điều này thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam.
Trong hợp tác kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam cam kết tiếp tục mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, thể hiện cam kết của Việt Nam trong duy trì quan hệ thương mại đầu tư song phương phát triển tích cực. Việt Nam chủ trương thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, có kế hoạch mua nhiều hơn sản phẩm hàng hóa từ Mỹ, như máy bay, chip, khí hóa lỏng (LNG) để tiến tới cân bằng thương mại.
Tận dụng những lợi thế hiện có và lưu ý giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại và vấn đề lao động, Việt Nam có thể tránh được những rủi ro không đáng có đối với các vụ việc phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp, gian lận xuất xứ hàng hóa... mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra.