Hợp tác Việt Nam-Philippines ở Biển Đông: Đối tác chiến lược và trách nhiệm
Việt Nam và Philippines tổ chức giao lưu thường kỳ về nhân sự, chuyên môn, văn nghệ và thể thao tại các điểm đóng quân ở Trường Sa. Chỉ những đối tác chiến lược, có lòng tin và trách nhiệm mới thực hiện được những việc như thế.
Trong khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Philippines yêu sách một phần quần đảo Trường Sa (cụm đảo Kalayaan theo tiếng Philippines). Theo luật quốc tế, chủ quyền đối với mỗi thực thể dẫn đến các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước xung quanh.
Từ góc độ đó, Việt Nam và Philippines có tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền đối với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa và các vùng nước xung quanh. Khả năng quản lý các tranh chấp này không chỉ liên quan đến chủ quyền và an ninh của mỗi nước mà còn góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực.
Xây dựng lòng tin trên biển
Tuy có tranh chấp trong yêu sách, quan hệ giữa Việt Nam và Philippines nói chung và ở Biển Đông nói riêng những năm qua được duy trì và phát triển tốt đẹp, thể hiện lòng tin của hai nước bạn bè, hai đối tác chiến lược và hai thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN.
Kết quả này trước hết bắt nguồn từ việc hai nước cùng coi trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong giải quyết các tranh chấp và bất đồng trên biển. Cách tiếp cận nhất quán này được nêu rõ trong Tuyên bố chung của Nguyên thủ hai nước trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào tháng 9/2016.
Tuyên bố khẳng định “cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực...; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982”.
Trong triển khai chính sách, cả Việt Nam và Philippines đều ứng xử khéo léo đối với các khác biệt và chồng lấn về yêu sách; sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình, song bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế như gửi công hàm làm rõ lập trường tới các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc.
Đồng thời, Việt Nam và Philippines luôn nghiêm túc thực hiện tự kiềm chế theo đúng thỏa thuận tại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Nếu UNCLOS được coi là cơ sở pháp lý trụ cột để quản lý và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, DOC là cam kết chính trị quan trọng của các nước đối với khu vực này.
DOC không có tính ràng buộc pháp lý, song mức độ tuân thủ của mỗi quốc gia đối với các điều khoản trong tuyên bố này phản ánh uy tín, hình ảnh và trách nhiệm của quốc gia đó đối với cộng đồng quốc tế.
Việt Nam và Philippines tuy chưa giải quyết được các chồng lấn về yêu sách, song từ khi ký DOC luôn dành sự tôn trọng đối với khác biệt lập trường của mỗi bên; kiềm chế, không thực hiện các hoạt động gây căng thẳng trong quan hệ song phương và tạo tình huống phức tạp trong khu vực.
Đặc biệt, quá trình xây dựng lòng tin trên biển giữa Việt Nam và Philippines không ngừng được bồi đắp qua nhiều cơ chế và các cấp khác nhau. Sau khi ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương năm 2010, hai nước tiếp tục ký thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa hai lực lượng hải quân và thiết lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển hai nước năm 2011.
Từ tháng 3/2014, Hải quân Việt Nam và Philippines đã trao đổi và nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và công nghệ biển. Trên thực địa, từ năm 1994, hai nước đã tổ chức Chương trình Khảo sát Nghiên cứu Khoa học biển chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS). Cơ chế này đã chính thức được thể chế hóa năm 2003 và mở rộng cho các nước khác trong khu vực.
Quan hệ song phương ngay tại khu vực có chồng lấn tuyên bố chủ quyền cũng tốt đẹp. Đến nay, Hải quân hai bên đã năm lần luân phiên tổ chức các hoạt động giao lưu nhân sự và chuyên môn như diễn tập thực hành thông tin cờ hiệu quốc tế, luyện tập chung trên sa bàn, chia sẻ thông tin tìm kiếm cứu nạn, thời tiết, an ninh hàng hải, tình hình đánh bắt cá trái phép... trên hai đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông.
Các hoạt động này đi kèm nhiều hình thức giao lưu thể thao, văn hóa nghệ thuật, góp phần tạo không khí thân thiện, gần gũi và hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa các lực lượng trực tiếp đóng quân ở Trường Sa và góp phần củng cố hợp tác giữa Hải quân hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, hai nước luôn nêu cao tinh thần nhân đạo và phối hợp với nhau giải quyết các tình huống phát sinh trên biển, trong đó có lĩnh vực nghề cá. Biển Đông là ngư trường hoạt động của hàng chục ngàn tàu cá các nước trong khu vực rất đông đúc; dẫn tới nhiều tình huống tranh chấp phức tạp, là nguồn gốc căng thẳng của nhiều sự cố trong thời gian qua.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Philippines luôn giữ tinh thần hợp tác thân thiện và tương trợ hiệu quả trong lĩnh vực nghề cá ở Biển Đông, cả ở cấp độ nhà nước và ngư dân. Lực lượng chấp pháp và ngư dân hai nước đã nhiều lần trợ giúp, ứng cứu ngư dân của nhau trong các tình huống hoạn nạn trên biển.
Sau trường hợp các ngư dân Việt Nam cứu sống được 22 thuyền viên Philippines sau khi tàu cá nước này bị đâm chìm tháng 8/2019, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố “luôn cảm ơn và không ngừng cảm ơn” về nghĩa cử cao đẹp này.
Ở chiều ngược lại, nhiều trường hợp ngư dân Việt Nam bị bắt giữ đều được phía Philippines đối xử nhân đạo và trao trả về nước thông qua đàm phán ngoại giao.
Hướng tới tương lai thực chất
Tranh chấp chủ quyền luôn là vấn đề khó giải quyết hàng đầu trong quan hệ quốc tế. Tranh chấp đa phương trên biển trên nhiều tầng nấc khác nhau như ở Biển Đông còn phức tạp hơn gấp bội, đòi hỏi thời gian và nỗ lực và kiên trì đàm phán. Những hoạt động đơn phương dựa trên sức mạnh ở Biển Đông thời gian qua cùng guồng quay cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang có thêm gia tốc là chỉ dấu cho tương lai phức tạp và khó lường trong khu vực trong những năm tới.
Trong khi triển vọng kết quả đàm phán giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) còn chưa rõ ràng, mối quan hệ đối tác chiến lược và xây dựng giữa Việt Nam và Philippines ở Biển Đông sẽ góp phần vào an ninh, ổn định và hòa bình trên vùng biển này.
Là hai nước cùng có yêu sách và chịu ảnh hưởng hàng đầu của những căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua, Việt Nam và Philippines có cơ hội xây dựng mô hình kiểu mẫu trong quan hệ quốc tế ở Biển Đông, trước hết cho các nước có yêu sách và các nước tiếp giáp.
Cơ sở cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Philippines ở Biển Đông thời gian tới là sự kết hợp giữa các quy định pháp lý của UNCLOS với cam kết chính trị song phương và trong COC. Các quy định do UNCLOS xác lập và Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016 đã soi rọi nhiều vấn đề từng là vùng xám trong tranh chấp ở khu vực Trường Sa.
Nếu hiểu Điều 5 của DOC như một cam kết giữ nguyên trạng chiếm đóng, tất nhiên chỉ mang tính tạm thời và không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của mỗi nước, thì đây là miếng ghép bổ sung có ý nghĩa then chốt, hợp với UNCLOS thành nền tảng tương đối hoàn chỉnh xác lập nguyên tắc ứng xử của các nước nói chung và giữa Việt Nam và Philippines nói riêng.
Mấu chốt cho hợp tác thời gian tới là việc duy trì các tương tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, kể cả khi Philippines có chính quyền mới, để đảm bảo các động lực chính trị cho hợp tác song phương trên biển. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các cuộc trao đổi cấp cao bị hạn chế, hai nước có thể tranh thủ các cơ hội như tiếp xúc bên lề các cuộc họp đa phương và tổ chức các hình thức đàm thoại trực tuyến.
Về cụ thể, hai nước cần tiếp tục triển khai và làm sâu sắc thêm các cơ chế hợp tác giữa các lực lượng hải quân và chấp pháp. Các hoạt động viếng thăm lẫn nhau của tàu chiến hai nước từ năm 2014 cần tiếp tục được triển khai đều đặn trong bối cảnh năng lực hải quân của cả Việt Nam và Philippines đã được gia tăng đáng kể trong suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp như chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực giám sát biển và khả năng cứu hộ, cứu nạn ở Biển Đông. Lực lượng chấp pháp nằm ở tuyến đầu trong ứng phó với các tình huống trên biển hiện nay và có quy chế hoạt động chủ động hơn so với hải quân; được quyền truy đuổi, kiểm tra, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài trong phạm vi nhất định nên dễ tạo ra các sự cố trên biển. Việc hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp và leo thang căng thẳng.
Hai nước cũng cần phát triển thêm các hình thức hợp tác song phương và phối hợp trong các cơ chế đa phương về nghề cá nói riêng và ngành thủy sản nói chung; đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường biển.
Cuối cùng, việc tăng cường các kênh trao đổi về biển giữa các cơ quan nghiên cứu liên quan của hai bên để thảo luận các nội dung phức tạp, nhạy cảm như phân định vùng chồng lấn trên biển giữa hai nước theo các quy định của luật pháp quốc tế hay đàm phán xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa các nước yêu sách ở Đông Nam Á.
Các hoạt động này góp phần làm sáng tỏ hơn nhận thức của mỗi bên, xây dựng lòng tin, đồng thời tạo các ý tưởng mới cho kênh chính thức tham khảo.