Hợp tác Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ: Từ những bước đi thầm lặng đến thúc đẩy lợi thế phát triển
Khoảng cách và sự khác biệt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng được rút ngắn bằng các hoạt động chính trị - ngoại giao, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và quảng bá lịch sử - văn hóa. Hai nước có nhiều lợi thế phát triển trong quan hệ hợp tác. Việc nhìn nhận và đánh giá vai trò, lợi thế của nhau đã và đang được Chính phủ hai nước từng bước thúc đẩy.
Nhận lời mời của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/11 đến ngày 03/12/2023.
Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về những kỳ vọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ từ chuyến thăm quan trọng này.
Khoảng cách, sự khác biệt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được rút ngắn
Thưa bà, là một nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ và đã có thời gian sống tại đất nước này, bà có thể chia sẻ những ấn tượng về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ?
TS. Kiều Thanh Nga: Nằm giữa hai châu lục Âu và Á, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có vị trí địa-chính trị quan trọng đối với khu vực Bắc Phi - Trung Đông mà còn có vai trò kết nối Á-Âu. Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng dựa trên các lý tưởng phương Tây như dân chủ, bình đẳng, pháp quyền…
Một trong những giá trị nền tảng của nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là chủ nghĩa thế tục - sự tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo và đây là một quốc gia Hồi giáo không quá khắt khe như những quốc gia Hồi giáo khác. Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu một di sản văn hóa rất đa dạng bởi sự pha trộn của các yếu tố khác nhau từ Đế chế Ottoman, châu Âu và văn hóa truyền thống Thổ. Chủ nghĩa lãng mạn của văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc được lan tỏa, kết hợp với tinh thần tự do thổi hồn vào đời sống của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đầy kiêu hãnh.
Khởi đầu từ nền tảng thu nhập thấp, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động của thế giới. Là một thành viên của G20 và là một trong những nhà tài trợ phát triển lớn, Thổ Nhĩ Kỳ đang khẳng định vai trò và trách nhiệm quốc tế của mình ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt khi quốc gia này vừa kỷ niệm 100 năm thành lập.
Nền kinh tế mạnh mẽ, đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông hiện đại, đã mang lại một cuộc cách mạng không ngừng trong đô thị hóa, chuyển đổi đô thị và mở cửa kinh tế với thế giới, khiến Thổ Nhĩ Kỳ luôn chiếm một vị trí nổi bật trong số những nền kinh tế mạnh nhất thế giới - sự trỗi dậy của một cường quốc tầm trung.
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng mối quan hệ song phương giữa hai nước được giới chuyên gia, học giả đánh giá là đạt được nhiều thành tựu ngoài mong đợi sau 45 năm. Bà có thể giải thích tại sao? Theo bà, đâu là những điểm nhấn về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ?
TS. Kiều Thanh Nga: Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia khá xa nhau về địa lý và có sự khác biệt lớn về văn hóa, tôn giáo nhưng việc nhìn nhận và đánh giá vai trò, lợi thế của nhau đã được Chính phủ hai bên từng bước thúc đẩy.
Từ những bước đi thầm lặng trong quan hệ hợp tác, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những phát triển nổi bật với nhiều đoàn cấp cao trao đổi giữa hai bên. Thông qua những cuộc trao đổi đoàn cấp cao này, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết được các hiệp định quan trọng từ thương mại, đầu tư, khoa học - giáo dục cho đến hàng không, du lịch.
Đặc biệt, việc Turkish Airlines mở 2 đường bay thẳng từ Hà Nội, TPHCM (Việt Nam) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2016 không chỉ là cầu nối giao thông quan trọng, xóa dần khoảng cách và tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác lâu dài Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ mà còn đánh dấu mốc phát triển mới trong quá trình mở rộng mạng lưới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường thêm mạng lưới bay rộng lớn nhất thế giới của Turkish Airlines.
Đối với Việt Nam, đây là cơ hội có thêm một cửa ngõ thuận lợi cho khách Việt Nam vừa có cơ hội khám phá Thổ Nhĩ Kỳ vừa có thế nối chuyến đến các nước châu Âu khác với mức giá hợp lý. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội tiếp nhận thêm nhiều khách du lịch từ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Balkan, góp phần làm phong phú thêm thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2015, lần đầu tiên truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim lịch sử dài tập của Thổ Nhĩ Kỳ có tên gọi "Thời đại Hoàng Kim" và từ đó đến nay có nhiều phim Thổ Nhĩ Kỳ được phát sóng trên truyền hình Việt Nam. Qua đó, người Việt Nam có thể hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, con người Thổ Nhĩ Kỳ và làm tăng sự kết nối giữa hai dân tộc.
Bên cạnh việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị - ngoại giao, văn hóa, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn dành sự quan tâm, hỗ trợ và sát cánh bên nhau trong những giai đoạn khó khăn. Trong bối cảnh đối mặt với những thách thức của đại dịch COVID-19, vào tháng 2/2022, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tài trợ vaccine, vật tư và trang thiết y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho Việt Nam.
Trong khi đó, khi Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trận động đất vào tháng 2/2023, phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, Chính phủ Việt Nam đã chủ động gửi đội tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ cùng trang thiết bị sang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Những hành động này không chỉ thể hiện mối quan hệ song phương tốt đẹp sẵn có giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc trong những giai đoạn khó khăn.
Nhiều lợi thế phát triển trong quan hệ hợp tác
Vậy bà nhận định như thế nào về tiềm năng, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới?
TS. Kiều Thanh Nga: Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm tương đồng và có những lợi thế phát triển trong quan hệ hợp tác. Xét trên khía cạnh vị trí địa lý, hai nước có lợi thế cạnh tranh, có thể mang đến những cơ hội hợp tác hiệu quả. Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là một quốc gia quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí chiến lược là điểm đầu và cửa ngõ vào châu Á, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, là cửa ngõ vào châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ có gần 90 triệu dân với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5-6%/năm, Việt Nam có gần 100 triệu dân với nền kinh tế đang phát triển khoảng 6-7%. Việt Nam có láng giềng lớn là Trung Quốc còn Thổ Nhĩ Kỳ có Liên minh châu Âu (EU), Nga... Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường lớn và còn nhiều tiềm năng phát triển ở khu vực Trung Đông, có nhu cầu nhập khẩu nhiều hàng hóa thuộc thế mạnh của Việt Nam và là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại Trung Đông (chỉ sau UAE).
Ngoài việc hợp tác và bổ sung cho nhau những lợi thế phát triển nhất định như thị trường rộng lớn với dân số đông, nhu cầu hàng hóa lớn..., Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam có thể chia sẻ những khó khăn trong điều kiện phát triển của mỗi quốc gia cũng như những thách thức từ các cuộc chiến tranh thương mại trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, nằm ở vị trí đắc địa và là ngã tư của các nền văn minhvới lịch sử 100 năm tuổi, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng có vị thế quốc tế, phát triển năng động, chính sách cởi mở và tự do. Thành phố Istanbul được mệnh danh là "thủ đô văn hóa châu Âu" với nhiều lần liên tiếp được đứng thứ nhất trong nhiều bảng xếp hạng du lịch như: Điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, điểm đến tốt nhất thế giới. Istanbul là một trong những thành phố du lịch tiêu điểm và chỉ mất khoảng 4 giờ là có thể bay từ Istabul đến 1/4 tổng số điểm đến chủ yếu trên thế giới.
Đối với Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ được coi như một đối tác đáng tin cậy và việc nhận biết những lợi thế địa kinh tế, địa chính trị của quốc gia này, từ đó có hướng tiếp cận phù hợp sẽ giúp đem lại những lợi ích rất lớn cho Việt Nam trong quá trình phát triển, cải cách và hội nhập quốc tế giai đoạn trung và dài hạn. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận định, hai nước có sự tương đồng rất đáng chú ý trong việc xác định mục tiêu và khai thác những tiềm năng trong tương lai.
Tiềm năng và triển vọng hợp tác này đang được hai Chính phủ không ngừng thúc đẩy nhằm phát triển mối quan hệ ngày càng bền chặt và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Sự hiện diện của người Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ hay người Thổ Nhĩ Kỳ ở Việt Nam cũng như sự hiểu biết, kết nối giữa hai dân tộc đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm năm 2014 khi lần đầu tiên tôi đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Khoảng cách và sự khác biệt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng được rút ngắn bằng các hoạt động chính trị - ngoại giao, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và quảng bá lịch sử - văn hóa.
Động lực cho hợp tác kinh tế
Tới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Bà kỳ vọng điều gì từ chuyến thăm? Chuyến thăm mở ra những cơ hội hợp tác như thế nào giữa hai nước và chúng ta cần làm gì để nắm bắt được cơ hội đó, thưa bà?
TS. Kiều Thanh Nga: Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh có ý nghĩa quan trọng, đó là 45 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tròn 100 năm tuổi. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sang thăm Thổ Nhĩ Kỳ và tôi tin rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ được nâng lên tầm cao mới và mở ra những cơ hội hợp tác cho hai bên.
Trước tiên, quan hệ giữa hai nhà nước tiếp tục được củng cố và tăng cường bằng điều chỉnh chính sách và thay đổi quan điểm hợp tác theo hướng cởi mở hơn, xây dựng lòng tin, đồng thời vận dụng các biện pháp ngoại giao linh hoạt, chủ động xây dựng mối quan hệ hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Từ đó, có các cam kết xây dựng, phát triển chung trong từng lĩnh vực và điều này sẽ tạo cơ chế hợp tác hiệu quả cho cả hai bên.
Hai là, quan hệ hợp tác ở cấp độ doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Sự năng động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là động lực cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này sẽ mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều cơ hội giới thiệu, trao đổi và tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả, đồng thời Việt Nam có thể khắc phục những nhược điểm trong các mặt hàng xuất khẩu để phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Quan trọng hơn cả là triển khai đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), quyết tâm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2025.
Ba là,hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân sẽ được đẩy mạnh. Kênh văn hóa, giáo dục là kênh có tác dụng thẩm thấu nhất đối với sự hiểu biết của người dân về một quốc gia, đặc biệt là giữa những quốc xa có địa lý xa xôi và văn hóa khác biệt như Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù thành phố Hà Nội và thành phố Ankara đã thiết lập mối quan hệ vào năm 1999, nhưng người dân hai bên còn biết rất ít về nhau. Trong khoa học cũng vậy, ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thiếu vắng những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và rất mong muốn hợp tác với các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết về chính trị, văn hóa, xã hội đất nước cũng bối cảnh khu vực ASEAN và đây là cơ sở nền tảng để đóng góp vào sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia một cách thiết thức.
Sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này, tôi hy vọng rằng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có các hợp tác về trao đổi đào tạo sinh viên đại học, sau đại học giữa hai bộ giáo dục hoặc các trường đại học với nhau; xây dựng các kế hoạch tập huấn cán bộ ở các chuyên ngành, lĩnh vực mà Thổ Nhĩ Kỳ mạnh như: Cải cách bộ máy quản lý hành chính, hệ thống an sinh xã hội và giáo dục y tế, nghiên cứu khoa học…
Ngoài ra,các lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác như: Du lịch, vận tải hàng không, nông nghiệp, quốc phòng - an ninh… sẽ có nhiều thay đổi tích cực với bước phát triển mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Trân trọng cảm ơn bà!