Hợp tác xã Đại Ngàn thành công nhờ phát triển nông nghiệp hữu cơ
Từ ngày đầu thành lập, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Hướng đi này không những tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mà còn giúp phát triển sản xuất theo hướng bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Cũng như nhiều địa phương khác tại huyện Chư Pưh, xã Ia Blứ chịu ảnh hưởng nặng nề khi cây hồ tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh và giá cả giảm sâu. Ông Nguyễn Thanh Thương ở thôn Thiên An-thành viên HTX Đại Ngàn cũng thấm thía bài học từ việc phát triển cây hồ tiêu không theo quy hoạch, không gắn với chuỗi liên kết.
Vì thế, năm 2014, khi bắt tay chuyển đổi dần diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng sầu riêng theo định hướng của huyện, ông Thương định hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Đặc biệt, sau khi tham gia HTX Đại Ngàn, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm thì thu nhập của gia đình ông ngày càng ổn định.
“Đến nay, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ 2,3 ha hồ tiêu bị chết sang trồng 300 cây sầu riêng, 600 cây na và trồng xen bơ booth, mắc ca. Năm 2019, khi 100 cây sầu riêng trồng đợt đầu cho thu bói được khoảng 10 tấn quả, bán với giá bình quân 45 ngàn đồng/kg, gia đình tôi lãi hơn 300 triệu đồng. Dự kiến vụ sầu riêng năm nay, gia đình thu hoạch khoảng 15 tấn. Với giá bán đã được HTX cam kết bao tiêu dao động từ 48 ngàn đồng đến 55 ngàn đồng/kg, tôi sẽ trả được khoản nợ 400 triệu đồng đã vay ngân hàng trước đó. Ngoài ra, Tết năm nay, 400 cây na sẽ bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn đem lại một khoản thu nhập khá”-ông Thương phấn khởi cho hay.
Tương tự, đời sống gia đình ông Võ Đức Hanh (thôn Thủy Phú) cũng không còn khốn đốn như lúc toàn bộ 1,4 ha hồ tiêu bị chết hàng loạt vào năm 2013. Ông Hanh chia sẻ: “Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng cao hơn mấy lần so với hồ tiêu. Năm vừa rồi, mới chỉ có 50 cây cho thu hoạch nhưng cũng bán được hơn 200 triệu đồng. Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ có rất nhiều cái lợi như: cây sinh trưởng và phát triển bền vững hơn, cho ra sản phẩm sạch, an toàn nên rất được thị trường ưa chuộng, giá trung bình cao hơn ngoài thị trường 7-10 ngàn đồng/kg”.
Từ 12 thành viên ban đầu, đến nay, HTX Đại Ngàn đã thu hút được 52 thành viên tham gia liên kết sản xuất các loại cây ăn quả như: sầu riêng, mít Thái, na dai. Trong đó, sầu riêng là cây mũi nhọn được HTX đẩy mạnh mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX Đại Ngàn-cho hay: “Mục tiêu của HTX là liên kết các thành viên với nhau để sản xuất những sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
“Hiện tại, chúng tôi đã cho ra thị trường sản phẩm sạch mang thương hiệu sầu riêng hữu cơ Đại Ngàn, có tem truy xuất nguồn gốc, được khách hàng đón nhận rất tích cực. Đặc biệt, năm 2019, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sầu riêng hữu cơ Đại Ngàn được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Hiện HTX tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm sầu riêng của HTX rất được thị trường ưa chuộng, được các công ty tại Đak Lak, Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam bao tiêu tại vườn với giá cao hơn thị trường 15-20%. Chúng tôi sẽ tăng diện tích sầu riêng từ 50 ha lên 120 ha vào năm 2022; đồng thời, mở rộng và xây dựng thêm thương hiệu các loại cây ăn quả khác như: mít Thái, na dai, bơ booth… tiến tới xây dựng thêm sản phẩm OCOP từ các loại cây này”-ông Bình chia sẻ.