Hợp tác xã góp phần khẳng định giá trị 'hạt gạo làng ta'

Toàn tỉnh có 145 HTX nông nghiệp. Hoạt động chính của các HTX nông nghiệp chủ yếu vẫn là quản lý sản xuất 2 vụ mùa gắn với cây lúa là cây trồng chủ lực. Trong quá trình quản lý sản xuất, các HTX từng bước nâng cao giá trị hạt lúa bằng cách xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ.

Các sản phẩm gạo được hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: MINH DUYÊN

Các sản phẩm gạo được hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: MINH DUYÊN

Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Hiện trên cánh đồng HTX, khâu làm đất được thực hiện bằng máy cày đất, sạ lúa bằng máy gieo giống, phun thuốc bằng máy bay không người lái, thu hoạch bằng máy gặt, rơm cũng được cuộn tự động bằng máy. Lúa sau thu hoạch được chở về HTX sấy khô và đóng bao tự động… Có thể nói, tất cả khâu sản xuất đang được các HTX thực hiện bằng cơ giới hóa với tỉ lệ bình quân đạt trên 90%.

HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh đưa máy sấy lúa vào vận hành. Từ năm 2019 đến nay, máy sấy vẫn hoạt động tốt với công suất từ 15-35 tấn/mẻ, giúp bà con không còn lo thời tiết mưa nắng bất thường mỗi vụ thu hoạch. Nối tiếp HTX này, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đầu tư máy sấy, giải phóng sức lao động và ổn định sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), đơn vị đầu tư mua sắm máy sấy điện với công suất từ 5-8 tấn lúa/ca. Đặc biệt máy được vận hành bằng công nghệ thông minh 4.0, tức là tự ngắt khi đủ độ ẩm, độ nóng. Hiện nay, với diễn biến thời tiết bất thường, lúa sau thu hoạch nếu chỉ chờ phơi nắng thì độ ẩm vẫn còn, khiến hạt gạo bị kém chất lượng. Việc đưa máy sấy vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu của bà con, giúp người dân có thể trữ lúa lâu dài chờ thời điểm xuất bán không bị ép giá.

Không chỉ áp dụng các kỹ thuật sản xuất như sạ hàng sạ thưa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”…, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) còn triển khai thí điểm mô hình sử dụng đất và phân bón hợp lý cho cây lúa bằng công nghệ số. Ông Lê Văn Định, Giám đốc HTX này cho biết: Cơ sở dữ liệu về đất nông nghiệp sẽ được số hóa thành phần mềm. Thành viên HTX chỉ cần sử dụng điện thoại và tải phần mềm là sẽ nắm được toàn bộ thông tin về đất gắn với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa và từng khâu làm đất, xuống giống, làm đòng… Ở mỗi giai đoạn, phần mềm sẽ khuyến cáo về lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để cây phát triển tốt nhất cũng như cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh để xử lý ngay từ khi phát hiện…

Tăng giá trị hàng hóa

Nâng cao kỹ thuật sản xuất, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu đã và đang giúp hạt lúa trở thành sản phẩm có giá trị. Giá trị này lại một lần nữa được các HTX khẳng định bằng cách xây dựng các thương hiệu gạo chất lượng cao. Có thể kể tới sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), gạo chất lượng Hòa Phú của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa), gạo chất lượng cao Đất Phú của HTX Nông nghiệp Phú Yên (huyện Phú Hòa), gạo chất lượng cao Hòa Thành của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa), gạo chất lượng Hòa Quang Nam của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa)…

Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 145 HTX nông nghiệp đang quản lý hoạt động sản xuất lúa. Bước ra khỏi sản xuất thô sơ, các HTX hướng tới cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ giúp cây lúa, hạt gạo từng bước trở thành hàng hóa có giá trị trên thị trường. Hiện tất cả HTX xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm gạo chất lượng cao đều bao tiêu 100% sản lượng cho thành viên. Việc tìm đầu ra cho hạt lúa vì vậy không còn là bài toán khó với các HTX.

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp cho biết: Năm 2022, sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi hết hạn, HTX tiếp tục hoàn tất hồ sơ đăng ký và sản phẩm một lần nữa đạt chứng nhận OCOP 3 sao lần 2 vào năm 2024. Cùng với quá trình này, sản phẩm gạo của HTX ngày một chuyên nghiệp. Không chỉ chất lượng gạo được củng cố mà mẫu mã bao bì và thông tin sản phẩm cũng ngày một rõ ràng, minh bạch. Nhờ đó, sản phẩm có mặt trong các siêu thị, cửa hàng, được nhiều công ty đăng ký đại diện tiêu thụ. Gạo An Nghiệp theo các đơn hàng có mặt ở trong và ngoài nước.

Cũng với mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo quê hương, nhiều HTX muốn kết nối các HTX cùng sản xuất gạo để đưa thương hiệu gạo từ phạm vi làng xóm lên phạm vi toàn huyện, toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2, HTX kêu gọi nhiều HTX ở địa phương cùng nhau xây dựng thương hiệu gạo Phú Hòa. Các HTX đều đồng thuận và đang cùng HTX mua máy sấy, máy đóng bao, đăng ký thương hiệu, mã vạch hàng hóa…

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/hop-tac-xa-gop-phan-khang-dinh-gia-tri-hat-gao-lang-ta-3261b89/