Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo: Không đáng ngại
Việc Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay liệu có tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Indonesia chủ yếu nhập khẩu gạo cấp thấp của Việt Nam
- Mới đây, Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay, việc này có ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thành: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1% trong năm 2024, giá trị tăng 48,9% so với 2023, khối lượng khoảng 2,91 triệu tấn, chủ yếu là gạo trắng và một phần nhỏ gạo thơm.
Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% (giá trị tăng 16,6%) và 7,5% (giá trị tăng 2,1 lần). Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu gạo lớn với khối lượng 1 triệu tấn năm 2024 nhưng giảm mạnh so với năm trước (68,45%). EU và Hoa Kỳ là 2 thị trường nhập khẩu các loại gạo chất lượng cao như gạo thơm đặc sản ST24, ST25 với thị phần nhỏ khoảng 0,5-0,6%/năm.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay. Quyết định này được đưa ra nhờ sản lượng nội địa tăng mạnh và kho dự trữ gạo dồi dào, giúp nước này tự tin đảm bảo nguồn cung trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia - ông Sudaryono, sản lượng gạo trong nước của Indonesia dự kiến đạt ít nhất 33,8 triệu tấn vào năm 2026, cao hơn so với mục tiêu 32,8 triệu tấn trong năm nay. Quyết định này là một phần trong kế hoạch thực hiện tham vọng của Tổng thống Prabowo Subianto nhằm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Câu hỏi đặt ra là Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay có tác động gì đến gạo Việt không? Tôi cho rằng, sẽ không tác động nhiều do Indonesia chủ yếu nhập khẩu gạo cấp thấp của Việt Nam. Nguồn gạo này của Việt Nam không dư thừa nhiều. Phân khúc gạo bán tại thị trường Indonesia là phân khúc giá thấp, gạo Việt Nam cạnh tranh với Ấn Độ ở phân khúc này.
Hiện gạo Việt có nhiều thị trường, trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Phi đang khá tốt, cùng với đó là các thị trường Trung Đông, Hoa Kỳ… Do đó, việc Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay cũng không đáng ngại đối với gạo Việt.
- 4 tháng đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái khiến kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,75 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ. Động thái trên của Indonesia có tiếp tục tác động đến giá gạo Việt không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thành:Giá gạo xuất khẩu giảm nguyên nhân do trước đó, cụ thể là giữa tháng 7/2023, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo đã khiến giá gạo xuất khẩu của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam tăng nóng. Khi Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đã kéo giá gạo xuất khẩu tại nhiều nước trong đó có Việt Nam giảm xuống. Đến thời điểm này, gạo xuất khẩu đã được trả về mức giá của những năm 2020-2021 nhưng cao hơn một chút. Đây cũng là mức giá hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long). Ảnh: Thùy Dương
Tại một số nước sản xuất gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… họ cũng không mong muốn giá gạo tăng cao quá. Bởi giá gạo tăng cao sẽ tác động lên lạm phát. Tuy nhiên, nếu giá gạo thấp quá thì người trồng lúa sẽ chuyển sang cây trồng khác.
Theo thông tin tôi nhận được thì thời gian gần đây, Ấn Độ cũng đang bắt đầu áp đặt một số loại thuế đối với gạo xuất khẩu của nước họ. Do đó, sẽ có một số chủng loại gạo bị áp thuế sẽ chịu tác động.
Dự báo giá gạo ít biến động
- Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm 40% thị phần toàn cầu. Với việc Ấn Độ đưa các chính sách tăng thuế xuất khẩu, ông có nhận định như thế nào đối với ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Thành:Từ nay đến cuối năm 2025, dự báo, giá lúa gạo trong nước sẽ không biến động nhiều so với năm 2023-2024.
Nguyên nhân do, hiện nay các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới như Philippines, Indonesia, Trung Quốc đa phần họ có nguồn dự trữ tương đối ổn định. Vấn đề nhập thêm chúng ta cũng không nói trước được do đây là vấn đề an ninh lương thực quốc gia, một số nước có thể cân đối 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.
Mặt khác, trong dự báo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024/2025 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 543 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 539,4 triệu tấn; lượng gạo dự trữ toàn cầu niên vụ 2024/2025 đạt mức kỷ lục 206 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 204 triệu tấn. Gần đây, FAO dự báo, dư thừa lúa gạo thế giới khoảng 3-5 triệu tấn. Do đó, cũng không ngại vấn đề thiếu hụt lúa gạo toàn cầu.
Việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu một số loại gạo có thể do điều kiện thời tiết, do vấn đề thiếu hụt, dư thừa hoặc do các chính sách điều tiết xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ. Về phía doanh nghiệp cũng đang theo dõi các động thái chính sách của Ấn Độ để có những điều chỉnh, thích ứng cho phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 13/5, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam được chào bán ở mức 397 USD/tấn, thấp hơn 13 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Thái Lan nhưng cao hơn từ 8-16 USD/tấn so với gạo 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ và Pakistan; gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đứng ở mức 368 USD/tấn, thấp hơn 17 USD/tấn so với gạo 25% tấm của Thái Lan nhưng cao hơn từ 3-11 USD/tấn so với gạo 25% tấm của Ấn Độ và Pakistan; gạo 100% tấm xuất khẩu của Việt Nam đứng ở mức 321 USD/tấn, mức giá này đang thấp hơn 26 USD/tấn so với gạo 100% tấm của Thái Lan và ngang bằng với gạo 100% tấm của Pakistan.