Hợp tác xã NNDV nông thôn Bình Nhì: Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Để nâng cao thu nhập, giúp thành viên an tâm sản xuất, gắn bó lâu dài, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp, đối tác trong việc tiêu thụ sản phẩm.ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT
HTX được thành lập vào năm 2001, hoạt động trong 4 lĩnh vực: Khai thác, xử lý và cung cấp nước sinh hoạt; cung ứng vật tư nông nghiệp, lúa giống; tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao và thi công đường ống nước. HTX hoạt động với phương châm “Hợp tác để phát triển”. Khi mới thành lập, HTX có 800 thành viên; qua quá trình phát triển, hiện HTX có 2.394 thành viên với vốn điều lệ 2,394 tỷ đồng, tổng vốn hoạt động 5 tỷ đồng.
Thời gian qua, HTX gặp không ít khó khăn như: Biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh, sức ép của thị trường... Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng, lợi thế của xã nông nghiệp, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, mục tiêu quan trọng được Ban lãnh đạo HTX đặt lên hàng đầu: HTX là phải tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất lúa là lĩnh vực chủ lực của HTX với tổng diện tích khoảng 800 ha. Thời gian qua, HTX đã xây dựng mã số vùng trồng lúa nội địa với diện tích 255,02 ha/515 hộ. Bên cạnh đó, HTX còn tích cực phối hợp cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng lớn trên địa bàn xã. Theo đó, HTX đã tổ chức tuyên truyền, họp dân để phân tích, bàn và công khai về các nguồn hỗ trợ của cấp trên cũng như kế hoạch liên kết sản xuất với các doanh nghiệp.
Để triển khai mô hình Cánh đồng lớn hiệu quả, HTX đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên và trang bị kỹ thuật canh tác lúa theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”... ngay từ đầu vụ.
Điều này giúp hạn chế các loại dịch bệnh và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Bên cạnh đó, nông dân được ứng trước vật tư (lúa giống) đến khi thu hoạch không tính lãi.
Đặc biệt, HTX còn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp giúp thành viên an tâm hơn trong sản xuất. Qua đó, HTX từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ và tập quán gieo sạ của nông dân, hướng đến sản xuất tập trung, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận.
Cung cấp nước sinh hoạt là một trong những lĩnh vực chủ lực của HTX. Hiện nay, HTX có 7 giếng nước, công suất 80 m3/h cung cấp cho gần 2.400 thành viên.
Các giếng này đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là mỗi khi mùa khô đến.
HTX còn chú trọng thực hiện liên kết tiêu thụ lúa chất lượng theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, HTX hợp đồng cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp với Công ty TNHH Thương mại HK để cung cấp lại cho thành viên.
Đồng thời, ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty TNHH MTV Sản xuất kinh doanh HK Green, Công ty TNHH Vinh Hiển. Ngoài ra, HTX còn tiên phong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích thực hiện 59,81 ha với 137 hộ dân tham gia. Điều này giúp nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Lượng, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện HTX đang liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp trên diện tích hơn 60 ha. Khi tham gia liên kết, đối với những diện tích lúa giống, thành viên sẽ bán lúa cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. Riêng những hộ không sản xuất lúa giống thì bán cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg”.
Sản xuất rau màu cũng là một trong những thế mạnh của HTX. Đối với những thành viên sản xuất rau màu, HTX cũng chú trọng liên kết để tìm đầu ra cho nông dân. Cụ thể, trên dưa hấu, hiện HTX đã được cấp mã số vùng trồng trên cây dưa hấu với diện tích 63,31 ha/86 hộ.
HTX liên kết với HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh và một thương lái tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Trên cây bắp, HTX cũng liên kết với thương lái để thu mua nông sản. Điều này góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho thành viên.
Ông Huỳnh Văn Lượng cho biết thêm: “Nhờ linh động trong sản xuất, kinh doanh với những hướng đi hợp lý cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, thành viên, thời gian qua, HTX đã hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra. HTX không chỉ giải quyết được các áp lực cạnh tranh, mà còn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. HTX đã tích cực tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà thành viên tham gia các mô hình gặp khó, đặc biệt là tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp”.
CHÚ TRỌNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Theo ông Huỳnh Văn Lượng, trong thời gian tới, HTX định hướng lại giống cây trồng cần tập trung sản xuất. Từ đó, HTX định hình và tìm kiếm đầu ra ổn định cho thành viên. Muốn làm được điều này không có giải pháp nào khác ngoài việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, HTX sẽ tích cực, chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp, đối tác để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của thành viên. Đây là yếu tố then chốt để HTX phát triển ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, HTX tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển của đơn vị. HTX sẽ tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia các khóa tập huấn. Đồng thời, tích cực tìm hiểu để ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hướng dẫn các thành viên áp dụng vào sản xuất.
HTX đang tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. HTX định hướng đến năm 2025 sẽ mở thêm dịch vụ cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất cho thành viên. Do đó, HTX rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để đầu tư trang thiết bị thực hiện mục tiêu này.
Trong lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt, HTX rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nước. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư hệ thống, thiết bị để không ngừng nâng cao chất lượng nước sinh hoạt phục vụ thành viên và người dân trên địa bàn.