Hợp tác xã tiên phong chuyển đổi số

Được thành lập năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ được xem là đơn vị tiên phong của Hà Nội trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác.

Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Việt

Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Việt

Rau quả sạch của HTX hiện được tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập khá cho các thành viên.

Sản xuất an toàn không lo đầu ra

Từ một nhóm nông hộ trồng rau, với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, ông Hoàng Văn Thám đã đứng ra đề xuất và thành lập HTX Rau quả sạch Chúc Sơn. Những ngày mới thành lập, HTX chỉ có vài ba hộ; đến nay tổng số thành viên đã tăng lên 40 hộ. Ông Thám được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX.

Hiện, HTX đã xây dựng được vùng rau quy mô gần 18ha được chứng nhận VietGAP và 5ha sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều thực hiện theo kỹ thuật công nghệ tiến tiến, mà ông Thám cùng các thành viên thu nạp được từ những chuyến học tập kinh nghiệm canh tác nông nghiệp ở Nhật Bản.

Thu hoạch cà chua tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Khắc Nam

Thu hoạch cà chua tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Khắc Nam

Những năm qua, với sự tư vấn hỗ trợ của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã tiến hành ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGAP. Hai công nghệ giúp các hộ thành viên quản lý, giám sát sản xuất; điều chỉnh kế hoạch xuất giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động.

Theo ông Thám, HTX cũng đang tiến hành ứng dụng công nghệ số eGAP trong truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau của các thành viên. Việc minh bạch được nguồn gốc sản phẩm là một trong những yếu tố mang lại thành công cho HTX Rau quả sạch Chúc Sơn tính đến hôm nay.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, rau quả của HTX được thị trường đón nhận tích cực. Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng gần 2 tấn rau quả sạch cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-mart, cùng 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học. Các hộ thành viên phấn khởi vì không phải lo đầu ra nên rất yên tâm sản xuất.

Cần thêm trợ lực cho hợp tác xã

Theo ông Hoàng Văn Vị (tổ dân số Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn), thành viên HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, khi tham gia HTX, ông được tập huấn kiến thức canh tác theo công nghệ cao. Với hơn 2.200m2 nhà màng, nhà lưới đã đầu tư, ông thu về hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Rau quả sản xuất cũng không phải lo đầu ra do đã được HTX thu mua.

“Thu nhập của thành viên tăng đáng kể nhưng quan trọng hơn là các thành viên HTX tin tưởng vào hiệu quả của ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông sản an toàn” - ông Hoàng Văn Thám phấn khởi cho biết. Nhờ việc sản xuất kinh doanh thuận lợi, từ năm 2017, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn phát triển thêm 2 cơ sở ở xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) và thị trấn nông trường Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Thời gian qua, Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam tiếp tục hỗ trợ HTX Rau quả sạch Chúc Sơn thí điểm hoàn thiện ứng dụng quy trình chuyển đổi số một cách đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng rau ra thị trường. Đặc biệt, Liên hiệp hỗ trợ HTX kết nối trên 2 sàn thương mại điện tử, có xác nhận chất lượng eGAP trên các tem nhãn sản phẩm. “Mỗi sản phẩm của HTX được xây dựng một quy trình chuẩn để có thể số hóa. Đến nay, HTX đã số hóa được 15 sản phẩm, bao gồm 7 sản phẩm rau ăn lá, 5 sản phẩm rau gia vị và 3 loại rau quả (cà chua, dưa chuột, dưa lưới)” - ông Hoàng Văn Thám chia sẻ.

Mặc dù vậy, câu chuyện khó khăn chưa phải đã hết. Đó là sản lượng và chất lượng các sản phẩm rau chưa ổn định để cung ứng cho các đối tác. Tình trạng được mùa, mất giá và ngược lại vẫn ảnh hưởng đến vận hành của HTX… Để khắc phục tình trạng trên, ông Thám cho biết trong thời gian tới sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, đầu tư thêm nhà chế biến, máy sấy lạnh để nâng cao chất lượng rau quả cung ứng cho thị trường.

Để nhân rộng những mô hình HTX ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp giống như cách làm của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, TP cần có thêm chính sách “khuyến nông số”; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị công nghệ tối thiểu nhằm xây dựng các mô hình ứng dụng thực tiễn tốt. Bên cạnh đó là những cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đưa kỹ sư nông nghiệp, hoặc các ngành nghề phù hợp về làm việc để nâng cao năng lực quản trị cho các HTX.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hop-tac-xa-tien-phong-chuyen-doi-so.html