Hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu công nghệ cao

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước ngọt quanh năm, An Giang không chỉ thuận lợi sản xuất lúa, rau màu mà còn trồng được hầu hết các loại trái cây đặc sản Nam Bộ, kể cả một số đặc sản Tây Nguyên. Việc hợp tác với doanh nghiệp (DN) xây dựng vùng nguyên liệu công nghệ cao là rất cần thiết, vừa đảm bảo đầu ra, vừa nâng cao giá trị nông sản cũng như thu nhập của nông dân.

Doanh nghiệp đồng hành

Đầu tháng 2-2021, Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Lavi Holding Mai Thị Thanh Thủy đã dẫn đầu đoàn công tác của công ty đến làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang. Cùng tham gia đoàn còn có Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm (ITP) Trương Minh Huy Vũ. Các bên đã tập trung thảo luận về kế hoạch tổng thể hợp tác giữa Lavi Holding và UBND tỉnh.

Đây là bước đi quan trọng thể hiện sự tin tưởng, đồng hành của DN đối với An Giang cũng như nỗ lực thu hút đầu tư, hỗ trợ DN của tỉnh, đặc biệt là DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - vốn là thế mạnh của An Giang, tiềm năng và dư địa phát triển còn nhiều nhưng chưa được khai thác đúng mức.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Thị Lê cho biết, An Giang hiện có tổng diện tích sản xuất lúa cả năm khoảng 600.000ha, 50.000-60.000ha rau màu, gần đây tỉnh còn phát triển được hơn 17.000ha cây ăn trái. “Bên cạnh cây trồng chủ lực là xoài, An Giang còn phát triển được chuối cấy mô, cam, quýt, bưởi, mít, sầu riêng, thanh long… Nói chung, loại cây nào vùng ĐBSCL trồng được thì An Giang cũng trồng được.

Điển hình như sầu riêng, hiện đã phát triển hơn 100ha ở các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Chợ Mới… Sầu riêng cho trái đạt quy cách, phẩm chất thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Ở vùng Bảy Núi còn có đặc sản cây chúc và một số cây dược liệu. An Giang đang có kế hoạch chuyển đổi 35.000ha đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn trái theo nhu cầu DN và thị trường” - bà Lê thông tin.

Giám đốc Công ty CP Lavi Holding Mai Thị Thanh Thủy cho biết, những sản phẩm An Giang đang canh tác là những sản phẩm chiến lược mà DN đang quan tâm. “Với 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, Lavi Holding đã phát triển được thị trường rộng, ổn định, xây dựng được 3 nhà máy hiện đại, hướng đến chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản. Chúng tôi muốn xây dựng An Giang thành trung tâm sản xuất cây ăn trái ở miền Tây Nam Bộ, còn Lâm Đồng là trung tâm rau, củ của miền Đông, Tây Nguyên” - bà Thủy nhấn mạnh.

Đoàn công tác Công ty CP Lavi Holding chụp ảnh lưu niệm cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang

Tăng cường hợp tác

Việc An Giang phát triển loại trái cây đặc sản như sầu riêng càng tạo sức hút để Lavi Holding đẩy mạnh đầu tư tại tỉnh. “Năm 2020, chúng tôi xuất khẩu sầu riêng sang Mỹ đạt giá trị gần 2.000 tỷ đồng Việt Nam, gồm: sầu riêng nguyên trái đông lạnh và sầu riêng tách hạt đông lạnh. Bên cạnh đó, những sản phẩm, như: thanh long, xoài keo, bơ… cũng là những nông sản thế mạnh được công ty tập trung phát triển” - bà Mai Thị Thanh Thủy thông tin.

Năm 2019, Công ty CP Lavi Holding đã nắm giữ cổ phần chi phối Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Điều này càng tạo thuận lợi để Lavi Holding đẩy mạnh đầu tư vào An Giang. Bà Thủy cho biết, những năm tới, Lavi Holding sẽ phát triển Antesco theo hướng xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, sử dụng phân bón vi sinh, từ quá trình canh tác đến chế biến không gây ô nhiễm môi trường.

“Năm 2021 này, công ty có thể đầu tư hợp tác thêm lĩnh vực lúa, gạo tại An Giang. Chúng tôi sẽ nghiên cứu lại lợi thế của từng vùng để xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp. Đồng thời, đặt nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến ngay tại vùng nguyên liệu” - bà Thủy nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty CP Lavi Holding cho biết, kỳ vọng của công ty trong 5 năm tới là được tỉnh ủng hộ, Khu Công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp sức để có những dự án đầu tư hiệu quả tại An Giang, tạo ra những giá trị cụ thể để tỉnh, DN và nông dân đều hưởng lợi. “Chúng tôi muốn xây dựng tại An Giang hình mẫu về nông nghiệp công nghệ cao, chứ không phải cách làm theo truyền thống” - bà Thủy khẳng định.

Ủng hộ hướng đi của Lavi Holding, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp An Giang Nguyễn Phước Thành cho rằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo yêu cầu DN là rất cần thiết. “Ví dụ như khi đầu tư khu du lịch sinh thái rừng tràm Tân Tuyến (Tri Tôn), Công ty CP Lavi Holding có thể kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa 400ha tại khu vực này theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn.

Tại vùng cù lao Giêng (Chợ Mới), hiện đang phát triển 5.000ha xoài tượng da xanh, xoài cóc hạt lép. Đây là những loại xoài ngon, thịt chắc, ăn tươi hay làm nước ép đều tốt. An Giang cũng có vùng trồng củ cải trắng cho chất lượng tốt. Nói chung, việc phát triển các vùng nguyên liệu khá thuận lợi” - ông Thành chia sẻ.

NGÔ CHUẨN

Dự kiến, UBND tỉnh An Giang và Công ty CP Lavi Holding sẽ đẩy mạnh hợp tác, đề xuất chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiến tới hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng công nghệ cao, gồm: nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu, khu thực nghiệm, khu ươm tạo…

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hop-tac-xay-dung-vung-nguyen-lieu-cong-nghe-cao-a297318.html