Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 4 - Kinh doanh dạy và học ngoài chính khóa như thế nào?
Trước nhiều ý kiến đưa ra về việc 'không quản được thì cấm', hay 'cấm cũng kêu, không cấm cũng kêu' đối với việc dạy thêm của giáo viên, nhà quản lý phải đưa ra chính sách và cách quản lý phù hợp mới có thể hợp thức hóa dạy thêm như mong muốn.
Lời tòa soạn: Về vấn đề hợp thức hóa dạy thêm, chúng tôi đã có dịp bàn luận cùng bạn đọc các khía cạnh nhu cầu người học và đề cập thẳng thắn việc dạy thêm và học thêm ngày nay có thể đưa vào danh mục ngành kinh doanh có điều kiện hay không?
Đã xem là ngành kinh doanh, mọi việc càng phải minh bạch rõ ràng để không làm biến dạng môi trường sư phạm, Tạp chí Công dân và Khuyến học tiếp tục đưa ra ý kiến chuyên gia dưới góc nhìn kinh tế.
Không nên lạm dụng cụm từ “kinh doanh có điều kiện” khi hợp thức hóa dạy thêm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên nhận định, trước khi hợp thức hóa dạy thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần tham chiếu các quy định của Luật Đầu tư.
Chúng ta có thể hiểu, hoạt động dạy thêm có ý nghĩa bổ sung cho giáo dục chính quy trong trường học. Hiện nay, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT mới chỉ đưa ra quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ và tin học. Trong khi đó, việc quản lý dạy thêm lại được giao cho các địa phương theo quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Thực tế, việc dạy thêm làm phát sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích, có trường hợp học sinh sợ bị “trù dập” nên phải tới các lớp học thêm của giáo viên đang giảng dạy trên lớp. Nhiều vi phạm diễn ra tràn lan nhưng không thể kiểm soát.
Tuy nhiên, học thêm cũng là “cầu” chính đáng của xã hội và dạy thêm là “cung” tất yếu của nhu cầu đó. Do vậy, các cấp quản lý cần nhìn trực diện vào thực tế, từ đó đưa ra phương án quản lý, giám sát hiệu quả hơn thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể cho hoạt động dạy thêm.
Ông Bùi Khánh Nguyên cũng đưa ra ví dụ về việc dạy thêm, học thêm của một số quốc gia trên thế giới. Đơn cử như Phần Lan, dạy thêm được thực hiện ngay trong các nhà trường, nhưng phần lớn là dạy miễn phí. Học sinh các nước phát triển vẫn đi học thêm, nhưng thông thường để tích lũy kiến thức mà nhà trường không dạy hoặc ít dạy.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã đưa ra các quy định hạn chế việc dạy thêm, học thêm, nhưng hiệu quả không như mong đợi. Ở các nước có sự cạnh tranh cao trong trường học, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore,... nhu cầu học thêm là rất lớn.
Do vậy dạy thêm trở thành ngành công nghiệp triệu đô thậm chí là tỷ đô.
Điều khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và các nước khác, đó là học sinh thường đi học thêm để học lại chương trình phổ thông chính khóa hoặc luyện thi để các bài kiểm tra trên lớp đạt điểm cao. Trong khi đó, học sinh ít có điều kiện tích lũy thêm những kiến thức khác liên quan đến thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống, trải nghiệm văn hóa, hướng nghiệp…Và đây là điều cần thay đổi.
Giải pháp nào để hợp thức hóa dạy thêm trở thành kinh doanh hợp pháp?
Ông Bùi Khánh Nguyên chia sẻ, chúng ta cần nhìn nhận công bằng, trong khi hệ thống trường công lập quá tải và chưa thể cung cấp một nền giáo dục cân bằng và toàn diện cho mọi học sinh, việc học thêm là điều cần thiết.
Chính hoạt động học thêm đã giúp cho nhiều thế hệ học trò có thể chuẩn bị tốt hơn về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống cho các kỳ thi quốc tế, phục vụ cho dự định du học. Do vậy học thêm không hoàn toàn đồng nghĩa với tiêu cực.
Chúng ta cần nhìn nhận công bằng, trong khi hệ thống trường công lập quá tải và chưa thể cung cấp một nền giáo dục cân bằng và toàn diện cho mọi học sinh, việc học thêm là điều cần thiết.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên
Hạn chế việc học không bao giờ là một lựa chọn tốt. Bởi bản thân việc mong muốn học hỏi đã thể hiện sự tiến bộ, khao khát hướng tới tri thức và văn minh. Rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, áp đặt lệnh cấm khiến học thêm có nhiều hình thức biến tướng như dạy thêm trực tuyến, “vừa học thể thao vừa học tiếng Anh”, mà bản chất là lớp học tiếng Anh được ngụy trang bằng hình thức mới.
Vì vậy, các nhà quản lý cần tôn trọng nhu cầu học tập lành mạnh của học sinh và điều chỉnh thông qua các cơ chế như minh bạch về thông tin, kiểm soát mâu thuẫn lợi ích, truyền thông về giáo dục lành mạnh cho xã hội.
Chúng ta cần đảm bảo việc dạy thêm không tạo ra mâu thuẫn lợi ích, học vì lo lắng bị "trù dập", điểm thấp, thường xuyên bị gọi lên bảng, khiến học sinh bị “cưỡng bức” học thêm.
Do đó, các nhà quản lý phải đưa ra những quy định, điều kiện cụ thể để giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường một cách liêm khiết, chính trực.
Giải pháp về việc minh bạch thông tin về số lượng học sinh, trình độ giáo viên, nội dung, chương trình giảng dạy, các yêu cầu về cơ sở vật chất tối thiểu là giải pháp được xét đến đầu tiên.
Bởi lẽ, đó là thước đo cho chất lượng của việc học thêm.
Nếu được bán công khai một món hàng, thì thậm chí là có thể công khai quảng cáo điều đó trên phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội để người học lựa chọn. Việc dạy thêm cũng phải công khai, cùng giám sát, chính trực và đáp ứng nhu cầu lợi ích của học sinh thì sẽ tồn tại trong trật tự hợp lý.
Dạy thêm - học thêm hướng tới phát triển toàn diện, xóa bỏ nỗi lo sợ bị bỏ lại của học sinh là điều cần thiết.