HoREA: Đề xuất 'phá lệ' cho mua nhà ở thương mại sử dụng gói 120.000 tỷ đồng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vốn chỉ dành cho nhà ở xã hội, bất ngờ được Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất bổ sung thêm người mua nhà ở thương mại dưới 3,5 tỷ đồng được tiếp cận gói này.
Theo đó, đề xuất nói trên được Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đưa ra sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra ngày 14/3.
Cụ thể, ông Châu cho rằng, tín dụng toàn nền kinh tế 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng âm, giảm 0,72% so với cuối năm 2023 là điều bình thường. Lý do đây là thời điểm trước và sau Tết âm lịch nên không quá lo ngại.
“Các chỉ số đo lường tăng trưởng kinh tế của 2 tháng đầu năm, nhất là tình hình tháng 2/2024 vẫn khá tích cực. Ngoài ra, xu thế phục hồi của thị trường bất động sản cho thấy khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng khởi sắc hơn từ quý 2/2024 trở đi” - ông Châu nêu.
Đối với lĩnh vực bất động sản, để thúc đẩy tăng trưởng “tín dụng tiêu dùng bất động sản”, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận “gói tín dụng 120.000 tỷ đồng”.
Chủ tịch HoREA đánh giá, gói tín dụng này mới giải ngân 646 tỷ đồng là quá thấp. Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 18/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư)” mà đối tượng “tiêu dùng bất động sản” chính là người mua nhà.
Để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội, ông Châu đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất “gói tín dụng 120.000 tỷ đồng” cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8 - 5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Thêm nữa, phía Ngân hàng Nhà nước cần xem xét bãi bỏ điểm a khoản 8 điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình. Lý do là Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành trước Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến 1 năm.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để họ đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Cùng với đó là việc xây dựng đề án triển khai trình nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Ông Châu cũng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn. Trong đó, phân loại từng nhóm vướng mắc để có thể áp dụng tương tự cho các địa phương để tái khởi động lại dự án "trùm mền" đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng.
Ngoài ra, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản là phải nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực của thị trường là loại nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, phấn đấu đưa ra giá bán nhà ở hợp lý.